Báo The Sunday Times hôm 24-3 dẫn nguồn tin mật cho biết 11 bộ trưởng Anh đang lên kế hoạch ép nữ Thủ tướng Theresa May từ chức "trong 10 ngày tới" giữa lúc chiến lược Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) của bà gặp nhiều thách thức. Nguồn tin này khẳng định 11 bộ trưởng giấu tên nói trên đều đồng ý rằng bà May nên rời khỏi cương vị lãnh đạo vì bà "đã trở thành một nhân vật thất thường và độc hại" với những quyết định chỉ khiến "tình hình thêm rối ren". "Cái kết đang đến gần. Thủ tướng May sẽ ra đi trong 10 ngày" - tờ The Sunday Times dẫn lời một bộ trưởng giấu tên cho biết.
Cũng theo tờ báo này, 11 bộ trưởng nói trên sẽ đối chất bà May vào ngày 25-3 và nếu bà không từ chức, họ đồng loạt dọa nghỉ việc. Những nhân vật có thể trở thành thủ tướng lâm thời của Anh sau khi bà May ra đi gồm ông David Lidington (cấp phó của bà May), Bộ trưởng Môi trường Michael Gove và Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt.
Tờ Daily Mail hôm 24-3 đưa tin trong 3 quan chức nói trên, ông Gove - người ủng hộ Brexit - được xem là ứng viên sáng giá đối với những thành viên nội các cho rằng ông Lidington rất ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông Gove lại bị những người theo "chủ nghĩa hoài nghi" châu Âu không tin tưởng. Theo kết quả khảo sát được trang Politico công bố hồi đầu tháng này, hơn 50% cử tri Anh muốn Thủ tướng Theresa May từ chức vì bà không nhận được sự ủng hộ của quốc hội đối với thỏa thuận Brexit mà bà đã thương lượng với EU trong 2 năm qua. Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với EU hồi tháng 11-2018 đã bị Quốc hội Anh 2 lần bác bỏ.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhận định nếu bà May rời cương vị thủ tướng Anh, tiến trình Brexit có thể diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa rõ liệu Brexit sẽ xảy ra như thế nào, bao giờ và thậm chí là có xảy ra hay không?
Hơn 1 triệu người biểu tình yêu cầu tổ chức dân ý lần 2 về Brexit tại London hôm 23-3. Ảnh: REUTERS
Hôm 21-3, bà Theresa May đã đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo khác của EU về việc lùi thời điểm Brexit đến sau ngày 29-3. Theo phân tích, Anh hiện đối mặt 4 kịch bản. Nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May được các nghị sĩ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lần 3 diễn ra vào tuần này thì Anh và EU sẽ chính thức "ly dị" vào ngày 22-5. Nếu không, Anh sẽ có thời hạn đến ngày 12-4 để trình bày kế hoạch mới hoặc rời EU mà không có thỏa thuận.
Ngoài ra, Anh cũng có thể đề nghị các nhà lãnh đạo EU cho phép trì hoãn Brexit lâu hơn nữa. Điều này có nghĩa họ phải tiến hành bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5-2019. Ủy ban châu Âu trước đó đã khuyên các nhà lãnh đạo EU rằng quá trình hoãn dài hạn này nên được kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2019 để chiến lược Brexit được điều chỉnh phù hợp.
Kịch bản cuối cùng là dừng Brexit. Mặc dù ít có khả năng xảy ra nhất, đây vẫn là một phương án được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhắc đến sau Hội nghị Thượng đỉnh EU hôm 21-3. Tòa án châu Âu đã ra phán quyết cho phép Anh đơn phương hủy bỏ Điều khoản 50 - cơ chế pháp lý đưa Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, Thủ tướng May từng tuyên bố Anh sẽ không thực hiện động thái này và nói rằng: "Tôi không cho rằng chúng tôi nên hủy bỏ Điều khoản 50".
Dù vậy, một kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính phủ Anh chấm dứt Brexit đã thu thập được hơn 4 triệu chữ ký cho đến nay. Trong khi đó, hôm 23-3, hơn 1 triệu người đã tập trung biểu tình tại thủ đô London để yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Tham gia biểu tình còn có các chính trị gia cấp cao đến từ các đảng lớn, như phó lãnh đạo Công Đảng Anh Tom Watson, cựu Phó Thủ tướng Lord Heseltine và Thị trưởng London Sadiq Khan. Ông Watson khẳng định Thủ tướng May không thể phớt lờ cuộc biểu tình này và bà phải tổ chức trưng cầu dân ý lần 2.