Tham gia giao thông ở nhiều thành phố Đông Nam Á cần có sự kiên nhẫn. Vào những giờ cao điểm, tắc đường khiến người di chuyển "đóng băng" trong taxi nhiều giờ đồng hồ, hoặc buộc họ phải sử dụng xe máy, xe đạp để có thể luồn lách giữa ma trận đường phố. Những phẩm chất của sự kiên trì ấy không có ở Uber - ứng dụng đặt xe lớn của Mỹ.
Tuần trước, Uber thông báo sau 5 năm tiến thân vào thị trường Đông Nam Á với tổng đầu tư 700 triệu USD, hãng sẽ bán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại đây cho đối thủ Grab - startup có trụ sở tại Singapore.
Theo ông Ming Maa - chủ tịch Grab, Đông Nam Á vốn không phải là đối thủ của Thung lũng Silicon trong việc sản sinh ra các công ty công nghệ. "Thương vụ sáp nhập Uber - Grab cho thấy điều này đã thay đổi, ông Maa nói. Uber sẽ nắm giữ 27,5% cổ phần của Grab, trị giá 6 tỷ USD. Thỏa thuận này biến Grab - ứng dụng đặt xe 6 năm tuổi được thành lập bởi 2 chàng sinh viên Harvard Business School người Malaysia - trở thành kẻ thống trị trên thị trường 634 triệu người. Hiện nay, hoạt động của Grab phủ sóng 191 thành phố dọc 8 quốc gia và sắp tới sẽ là những khách hàng cũ của Uber.
Đối với Uber, tấn công thị trường khách luôn là một cuộc chiến đốt tiền. Ngoại trừ Singapore, hầu hết các chuyến đi trong khu vực đều có giá rẻ kinh ngạc, đặc biệt nếu khách hàng chọn dịch vụ xe máy. Để duy trì tính cạnh tranh, Uber đã phải chi rất nhiều tiền.
Các đối thủ địa phương như Grab và Go Jek (Indonesia) cũng không phải dạng vừa. Chỉ cần chạm vào ứng dụng, người dùng Go Jek có thể order cả đồ ăn, dịch vụ massage và làm móng tay. Grab cũng cung cấp cả dịch vụ thanh toán di động GrabPay - rất phù hợp đối với một khu vực có khoảng 2/3 số người không dùng tài khoản ngân hàng. Hai tuần trước, Grab đã bắt đầu cung cấp các khoản tín dụng nhỏ cho những doanh nghiệp đang hợp tác với Credit Saison. Việc thâu tóm UberEats như một phần thỏa thuận cũng sẽ giúp mở rộng dịch vụ cung cấp thực phẩm của hãng này.
Trong mảng kinh doanh cốt lõi, các công ty địa phương cũng phát triển rất thành công. "Ở San Francisco, hầu hết phương tiện di chuyển đều là ô tô", ông Maa nói. Ngược lại, hạm đội xe của Grab chủ yếu là xe máy với những chiếc mũ bảo hiểm màu xanh lá cây. Tại Campuchia, khách hàng cũng có thể đặt xe tuk tuk 3 bánh thông qua ứng dụng gọi xe. Tại Jakarta - thủ đô của Indonesia, nơi mà số lượng xe máy có thể đông hơn số dân, Grab cũng có một hình thức thanh toán đặc biệt: thay vì đặt trên ứng dụng, khách hàng có thể chọn người lái xe ngay tại chỗ và bắt đầu cuộc hành trình của mình.
Khối lượng vốn đầu tư của SoftBank vào các ứng dụng đặt xe (đi tỷ USD)
Sau tất cả những lý do từ 2 bên, vụ sáp nhập của Uber - Grab cũng là nước cờ của Masayoshi Son - giám đốc điều hành SoftBank - tập đoàn viễn thông và Internet Nhật Bản. Vào tháng 1, quỹ SoftBank Vision của ông đã ký hợp đồng mua lại 15% cổ phần của Uber với giá 93 tỷ USD. Bản thân SoftBank cũng là cổ đông lớn nhất của Grab.
Việc sáp nhập làm một sẽ giúp cả hai công ty và sau cùng là SoftBank có lợi. Grab được thị trường. Khoản lỗ 4,5 tỷ USD trong năm ngoái của Uber có thể sẽ giảm xuống đáng kể trước khi phát hành IPO vào năm tới. Mục tiêu cuối cùng của tỷ phú Son là đảm bảo không có công ty dịch vụ gọi xe nào mà SoftBank nắm cổ phần đốt tiền để chiến đấu lẫn nhau.
Năm 2016, Uber cũng có một thương vụ tương tự với Didi - dịch vụ gọi xe của Trung Quốc. Uber nắm 17,7% cổ phần và giá trị cổ phiếu nắm giữ ban đầu đã tăng từ 6 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Tháng 11, giám đốc Uber Dara Khosrowshahi đã đến thăm hai thị trường mà công ty của ông vẫn đang hoặc chuẩn bị chiến đấu với một công ty khác được SoftBank chống lưng là Ấn Độ (ứng dụng Ola) và Nhật Bản - thị trường mà cả Uber và Didi đều có kế hoạch lớn. Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra ở những thị trường này, thị trường dịch vụ đặt xe đang ngày càng giống một bữa tiệc nơi mà các công ty chia sẻ chiến lợi phẩm.