Tuần trước, Tổng thống Trump đã đẩy cuộc chiến thương mại lên những nấc thang căng thẳng mới. "Đàm phán thương mại đang tiếp tục, và trong lúc đàm phán Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung 10% đối với với 300 tỷ USD hàng hóa và các sản phẩm từ Trung Quốc vào đất nước chúng ta từ ngày 1/9. Điều này không bao gồm 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã chịu mức thuế 25%", ông viết trên Twitter hôm 1/8.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi đàm phán Mỹ - Trung kết thúc 2 ngày làm việc tại Thượng Hải với ít dấu hiệu tiến bộ mặc cho hai bên mô tả đàm phán mang tính xây dựng.
Nhiều dòng Twitter sau đó cũng được Tổng thống Mỹ sử dụng nhằm chỉ trích Trung Quốc. Đơn cử như việc nước này không thực hiện lời hứa mua thêm nông sản Mỹ hay công kích đích danh Chủ tịch Tập Cận Bình vì không mạnh tay với việc bán thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện sang Mỹ.
Nhận định về động thái mới của Mỹ, TS. Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore cho rằng Mỹ sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất kinh tế để đạt được việc kiềm chế Trung Quốc.
Nước cờ của Tổng thống Trump có vẻ như không phải là thứ quá bất ngờ với người đàn ông tự hào nhìn nhận mình là Tariff man.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với báo Trí Thức Trẻ, GS. Hà Tôn Vinh cho biết nhiều khả năng Tổng thống Trump "dám chơi đến cùng" với 300 tỷ hàng hoá còn lại. Bởi lẽ dư địa để gây sức ép với Trung Quốc từ Mỹ rất nhiều. Một nửa tổng số hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ hiện chưa bị áp thuế trong khi Bắc Kinh đã chạm ngưỡng.
Theo TS. Lê Hồng Hiệp, ngay cả trong bối cảnh hiện tại, Mỹ vẫn còn dư địa để tăng thuế lên, có thể lên mức 25% như với 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc hồi tháng 5.
Sự xung đột của hai siêu cường theo đó sẽ đẩy thế giới vào thế phân mảnh với tác động lan toả sang các vị trí thấp hơn khi mỗi siêu cường tìm cho mình đồng minh và đối tác mới, ông Hiệp nhận định. Điều này hàm nghĩa các quốc gia bé hơn sẽ bị đẩy vào một thế lưỡng nan.
"Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác phải luôn chuẩn bị tâm thế và có các bước đi phù hợp để giảm thiểu rủi ro, đồng thời gặt hái được những lợi ích tối đa từ cơn sóng thần địa chính trị đang diễn ra", ông nói.
Ông Hiệp từng nhận định với Trí Thức Trẻ rằng Mỹ đang có sự ưu tiên nhất định cho Việt Nam dù nền kinh tế 96 triệu dân có thặng dư lớn. Lý do nằm ở phần hàng hoá bổ sung cho sự thiếu hụt từ Trung Quốc, như kỳ vọng của Trump.
"Việt Nam có thể là nguồn hàng hoá bổ sung trong trường hợp hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Áp thuế đồng loạt với hàng hoá Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực với người Mỹ, không tốt cho vị thế chính trị của chính quyền Trump".
Mặt khác, về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm đồng minh trong bối cảnh cạnh tranh, trong khu vực này Việt Nam cũng được Mỹ xem là đối tác mới nổi có tầm quan trọng. "Tuy nhiên, cần lưu ý là Mỹ có thể sử dụng các biện pháp với Việt Nam như là đòn bẩy để Việt Nam đưa ra sự nhượng bộ khi cần thiết".