Nước mắm Việt Nam xuất khẩu không chỉ phục vụ cộng đồng người Việt, mà hiện còn hấp dẫn người tiêu dùng bản địa tại các thị trường quốc tế.
Sau 8 năm đưa nước mắm Ma Mi vào hệ thống siêu thị của người Việt Nam tại Mỹ, Công ty Link Nature Power (Bình Thuận) dần tính đến việc mở rộng phân khúc thị trường cho mặt hàng truyền thống này.
"Năm 2018, chúng tôi được Bộ Công Thương lựa chọn trong số những đơn vị từng xuất khẩu sang Mỹ để giới thiệu với Amazon. Phải mất 8 tháng kiểm tra, xác thực thì chúng tôi mới được chính thức bán hàng. Khi đó, chúng tôi xếp thứ hơn 1.000 trong ngành hàng, nhưng đến nay đã từng bước giữ vị trí số một", ông Lê Bá Linh, thành viên sáng lập doanh nghiệp, kể lại.
Suốt 2 tháng qua, thương hiệu đứng đầu danh sách sản phẩm nước mắm bán chạy nhất trên Amazon, vượt qua các đối thủ mạnh, lâu đời từ Thái Lan và Việt Nam khác. Trước đó, trong tháng 4 và 5, doanh nghiệp bán hơn 18.000 sản phẩm cho người tiêu dùng toàn cầu thông qua nền tảng này.
Sản phẩm lọt vào danh sách bán chạy nhất, được Amazon giới thiệu trong Amazon's Choice. Ảnh chụp màn hình. |
Nói về bí quyết cạnh tranh trên kênh bán hàng lớn nhất nhì thế giới, ông Lê Bá Linh cho biết đã tập trung đầu tư cho digital marketing. Đặc biệt, doanh nghiệp sẵn sàng nhận hàng đổi trả với bất cứ lý do gì, nhằm đảm bảo mức độ hài lòng cao nhất cho từng khách hàng.
Quan trọng hơn cả, ông cho rằng trước đây chỉ xem nước mắm là gia vị chấm kèm các món ăn. Sau này, khi quan sát hàng chục thương hiệu đứng đầu của Thái Lan và Việt Nam, ông rút ra bài học mới và chuyển hướng xây dựng sản phẩm như một gia vị nấu ăn, thậm chí với cả món ăn phương Tây như cừu nướng, pizza, mỳ pasta... Đến nay, 70% người tiêu dùng sử dụng nước mắm Ma Mi ở nước ngoài là người da trắng.
Trước xu hướng xuất khẩu xuyên biên giới như hiện nay, ông Trần Hữu Hiền, Giám đốc điều hành Công ty Bảy Hồng Hạnh, cũng cho biết đã đặt mục tiêu đưa các sản phẩm nước mắm và gia vị truyền thống lên các sàn TMĐT quốc tế vào năm 2021.
Bắt đầu xuất khẩu từ năm 1993, đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới theo hình thức trực tiếp.
"Tuy nhiên, hiện nay, bán hàng trực tuyến đã trở thành định hướng bắt buộc. Chúng tôi đã đưa sản phẩm lên các trang TMĐT ở Việt Nam. Còn với thị trường quốc tế, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là làm sao đưa ra giá phù hợp, bởi chất lượng đã được kiểm chứng", ông Trần Hữu Hiền nhận định.
Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 170 triệu lít nước mắm các loại, nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa. Ước tính giá trị thị trường mỗi năm đạt khoảng 11.300 tỷ đồng.
Trong đó, tổng công suất chế biến nước mắm truyền thống khoảng 103 triệu lít/năm, trong khi công suất tối đa có thể đạt được là 273 triệu lít/năm. Do đó, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nếu tìm được đầu ra tiềm năng thì ngành nước mắm truyền thống của Việt Nam còn có thể phát triển hơn nữa.
Nhận định ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên số hóa khi phương thức kinh doanh trực tiếp tốn nhiều chi phí và gặp nhiều thách thức với dịch Covid-19, ông Stephen Kuo, Giám đốc Alibaba.com khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng khẳng định sẽ triển khai hàng loạt sáng kiến để đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Gần nhất, sàn TMĐT này tổ chức triển lãm trực tuyến “Super Septermber 2020” nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối giao thương. Tại Việt Nam, Alibaba.com cho biết có 55 nhà bán hàng tham gia.
Tuy vậy, theo ông Lê Bá Linh, giải pháp từ các nền tảng TMĐT chỉ là sự hỗ trợ. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thấu hiểu thị trường và chăm sóc khách hàng.
"Các vị trí xếp hạng nhất, nhì, ba trên sàn TMĐT cũng chỉ là khởi đầu. Phía trước còn nhiều điều cần làm để thực sự giữ chân người tiêu dùng nước ngoài với mặt hàng truyền thống này của Việt Nam", ông nói.
(Theo Zing)