Những ngày gần đây, thông tin về việc hơn 200 công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương, nhiều người phải đi nhặt ve chai kiếm sống gây xôn xao dư luận.
Trước nỗ lực đòi lương của người lao động và sức ép từ nhiều phía, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (công ty Minh Quân đổi tên), mới trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Chuyện về cuộc sống cơ cực của những công nhân môi trường bị nợ lương- Người bị mẹ già chửi mắng, người bị cụt chân mò mẫm trong
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chỉ tính riêng tổ của tôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỉ đồng nữa.
Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”.
Là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) cho biết, chị bắt đầu làm việc thu gom rác cho công ty Minh Quân từ năm 2017. Thời gian đầu, công ty trả đủ 174.000 đồng/ngày lương nhưng đến năm 2020 thì bị chậm. Đỉnh điểm là thời gian cuối năm, công ty nợ chị Uyên và đồng nghiệp trong tổ 6 tháng lương (từ tháng 6 đến tháng 12/2020).
Công việc của chị Uyên là thu gom rác ở chung cư rồi đưa về khu tập kết ở Cung điền kinh Hà Nội
“Chúng tôi đã đến công ty đòi lương nhiều lần, gần Tết cũng đến nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn là tháng sau công ty sẽ trả. Nhiều tổ khác đã đình công rồi nhưng chúng tôi thì không bởi chị tổ trưởng luôn khuyên nhủ mọi người tích cực làm việc rồi công ty sẽ trả đủ”, chị Uyên kể.
Vốn có hoàn cảnh khó khăn khi phải nuôi con nhỏ và mẹ già, gần một năm công ty Minh Quân nợ lương là những ngày tháng chị Uyên sống trong cơ cực.
Trên chiếc xe đạp đi làm mỗi ngày, ngoài giờ làm việc, chị Uyên còn nhặt thêm vỏ chai, giấy... để bán, kiếm thêm thu nhập
Việc công ty Minh Quân trả chậm lương 6 tháng khiến chị Uyên và các công nhân trong tổ gặp nhiều khó khăn
Không có tiền rồi nghĩ đến các con khiến chị Uyên rất tủi thân
Đi làm mệt mỏi, về nhà chị Uyên còn bị mẹ già đay nghiến vì không có tiền
“Tôi ở với con trai đang học lớp 3 và mẹ già tại phường Phú Đô, cứ mỗi lần đi làm về nếu không có tiền là mẹ tôi bắt đầu chửi mắng. Thậm chí, tôi đã từng ra thuê trọ ở riêng vì không chịu được những câu quát mắng của mẹ”, chị Uyên nhớ lại.
“Tôi không dám nói chuyện công ty nợ lương vì sợ mẹ tôi nghĩ là tôi ăn chơi nên hết tiền. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, bây giờ mẹ tôi mới thông cảm và hiểu cho con”, chị Uyên tâm sự.
Trong suốt quãng thời gian chờ đợi tiền lương, chị Uyên phải đi nhặt vỏ chai để bán kiếm sống qua ngày. Mỗi khi có công việc lớn, không có tiền, chị lại phải vay mượn. Ngày này qua ngày khác, số tiền nợ, tiền lãi tăng lên đến mức không đủ khả năng chi trả. Nhiều lần đi khất nợ chị Uyên còn bị chủ nợ nói những câu nặng lời.
Ngôi nhà của chị Uyên sinh sống cũng đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa
Nước sinh hoạt đục ngầu, gia đình chị Uyên phải mua hàng chục bình nước lọc mỗi tuần để nấu ăn
“Thật sự, bản thân tôi rất xấu hổ nhưng đến khi nhà không còn hạt gạo nào tôi đành phải đi hỏi xem vay ai được vài chục nghìn để mua gạo chứ không biết làm thế nào”, chị Uyên kể.
Gạo hết thì đi vay được nhưng đến hạn đóng tiền học phí cho con trai chị Uyên đành phải lực bất tòng tâm. Đã nhiều lần đứa con nhỏ không hiểu chuyện của chị phải nghỉ học vì bị “các bạn trêu đóng tiền học phí muộn”.
“Lúc nào cũng là người đóng tiền muộn nhất cho con nên khi đến lớp cháu hay bị các bạn trêu. Tôi cũng khuyên và động viên cháu, thậm chí nhờ người đưa đến trường nhưng cháu xấu hổ và không chịu. Có đợt, cháu nghỉ học cả 3-4 ngày”, chị Uyên nói.
Mỗi lần nói về con trai, nước mắt của chị Uyên lại tự nhiên trào ra. Chị khóc không phải vì sự vất vả, cơ cực mà vì bản thân không lo được cho con một cuộc sống tốt đẹp.
Với những công nhân thu dọn rác, hoàn cảnh của chị Uyên vẫn còn may mắn bởi trong tổ dịch vụ này còn có ông Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Dù năm nay đã gần 60 tuổi, bị cụt mất một chân, nhưng hàng ngày, người đàn ông này vẫn đeo chân giả, vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác.
Sau khi công ty Minh Quân chấm dứt hợp đồng lao động, ông Đăng chuyển sang làm việc ở công ty môi trường khác. Nhà ở cách chỗ làm 30 km, mỗi ngày ông Đăng phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để kịp bắt đầu buổi làm việc vào lúc 17h30.
Công việc của ông Đăng là dọn rác trong hầm của chung cư, mỗi buổi làm việc đều kéo dài đến khoảng 1, 2 giờ đêm. Sau khi đã thu gom hàng tấn rác, ông trở về túp lều dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng để bắt xe bus về nhà.
Công việc hiện tại của ông Đăng là dọn rác trong hầm của chung cư
Việc phải lao động bằng chân giả khiến bản thân ông Đăng phải vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác, đổi lấy đồng tiền
Ông Đăng kể, từ khi sang công ty mới làm việc, tiền lương, phụ cấp được đảm bảo không còn như lúc làm việc cho công ty Minh Quân bị nợ lương, “uất ức và bức xúc lắm”.
“Hai vợ chồng tôi làm cho công ty Minh Quân từ năm 2017, đến năm 2020 thì mỗi người bị nợ lương 7 tháng. Đến nay chúng tôi vẫn còn khoảng 40 triệu chưa được công ty này thanh toán”, ông Đăng nói.
Nhắc đến lương, giọng ông Đăng như trầm xuống bởi đây là quãng thời gian khó khăn nhất mà ông từng trải qua.
Tranh thủ lúc làm, ông lại tìm vỏ chai nhựa, giấy... trong túi rác để bán, kiếm thêm thu nhập
Mỗi buổi ông Đăng kiếm thêm được từ 50 - 70 nghìn đồng từ công việc này
“Tôi bị tai nạn nghề nghiệp, mất 1 chân đã hơn 20 năm nay nên chẳng làm được việc gì. Ở nhà, trồng được vài sào lúa nhưng chuột cắn hết, nuôi cá thì lỗ vốn nên hai vợ chồng rủ nhau vào nội thành dọn rác kiếm sống.
Đầu năm 2020, công ty Minh Quân trả lương chậm rồi sau đó nợ lương chúng tôi 7 tháng. Không có tiền, đêm nào cũng vậy, tôi phải đi nhặt từng tí nhựa, giấy để bán. Nhặt xong thì lại trở về túp lều dựng tạm để ngủ. Nói là ngủ nhưng cũng chẳng ngủ được vì nóng, muỗi đốt nên chỉ nhắm mắt chờ đến sáng rồi bắt chuyến xe bus về nhà thôi”, ông Đăng tâm sự.
Khi tất cả người dân trong thành phố đang ngon giấc thì ông Đăng mới xong việc
Không có tiền ở trọ, ông đành ngủ tạm ở chiếc lều tự dựng cạnh Cung điền kinh thành phố
Chiếc chân giả được tháo ra vì “nếu để yên sẽ nhức nhối lắm”
5h00 sáng, ông Đăng lại lóc cóc thu dọn đồ đạc, lên xe bus về nhà
Sau hơn 1 tiếng, ngồi 2 chặng xe bus, ông Đăng mới về tới nhà và được người thân ra đón
Ngôi nhà mà vợ chồng ông Đăng thuê tạm tại xóm Dộc Chảy, xã Phúc Hoa, huyện Phúc Thọ để sinh sống do ngôi nhà ở xã Võng Xuyên đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa
Mỗi năm, vợ chồng ông sẽ phải bỏ ra 10 triệu để thuê nhà
Sau khi đi làm về, ông Đăng uống nước, nghỉ ngơi rồi cùng vợ sắp đồ ăn bữa sáng
Bữa cơm của vợ chồng ông Đăng và cháu nội
Xong bữa, ông Đăng lại nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi đi làm tiếp theo
Dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Đăng vẫn giữ được sự lạc quan
Kiếm được 50 - 70 nghìn đồng mỗi ngày từ việc bán vỏ chai, giấy nhựa, ông Đăng và vợ chỉ đủ rau cháo qua ngày. Nếu có việc như giỗ chạp, sửa nhà thì đi vay họ hàng, người thân.
“Khổ nhất là phải đi vay tiền ăn Tết rồi cả hội Làng nữa. Nhiều người vẫn hỏi tôi tại sao hai vợ chồng đi làm mà không có tiền nhưng câu này khó trả lời quá, tôi đành ngậm ngùi đi về.
Mãi đến khi sân nhà bị ngập, cộng với việc công trình phụ bị đổ nên tôi đã vay 100 triệu ngân hàng để sửa lại. Số còn thừa cũng lấy ra chi tiêu trả nợ chứ nhặt vỏ chai mãi cũng không sống được”, ông Đăng nhớ lại.
“Thú thật, việc tôi bị mất 1 chân cũng ít người biết lắm vì nếu lộ ra công ty sẽ không nhận vào làm. Nhưng giờ đây, lấy được khoản nợ mới quan trọng, nếu công ty không cho làm việc nữa tôi cũng đành chấp nhận”, ông Đăng chia sẻ.
Hiện tại, ông Đăng, chị Uyên và hơn 200 công nhân khác vẫn đang trông ngóng từng ngày để nhận được toàn bộ số tiền mà công ty Minh Quân còn nợ bởi thêm một ngày chậm lương, cuộc sống của họ sẽ thêm khổ cực.