Vào tháng trước, nhân viên của Vanguard Group tại Thượng Hải đã rất mong chờ về một bài phát biểu cổ vũ tinh thần từ người đứng đầu chi nhánh khu vực này – Scott Conking, về cách quỹ đầu tư khổng lồ này sẽ làm gì để cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc sau nhiều năm chuẩn bị.
Thay vào đó, Conking cho biết quỹ quản lý tài sản trị giá 7 nghìn tỷ USD đang ngừng việc lấy giấy phép kinh doanh quỹ tương hỗ. Công ty này sẽ chỉ duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc thông qua liên doanh tư vấn với Ant Group.
Sau thông báo của ông, 30 nhân viên của Vanguard đã bị sốc, 10 người rời khỏi phòng họp ngay khi Conking trình bày xong. Nguồn tin thân cận tiết lộ, một nhân viên thậm chí còn bật khóc.
Tuy nhiên, đằng sau động thái giảm sự hiện diện tại Trung Quốc có vẻ vội vàng là nhiều năm quan sát của những nhà lãnh đạo cấp cao về mô hình chi phí thấp liệu có hiệu quả hay tại quốc gia này hay không. Ít nhất, câu trả lời ở hiện tại dường như là không. Và đây cũng là một tín hiệu cảnh báo đối với các nhà quản lý tài sản khác đang chú ý đến thị trường 13 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc.
Trong khi có một số dấu hiệu cho thấy Vanguard dần thu hẹp quy mô hoạt động ở Trung Quốc, thì công ty này dự kiến vẫn xin giấy phép hoạt động quỹ. Đây được coi là mảng quan trọng đối với đà tăng trưởng của Vanguard trong một thị trường quản lý tài sản đang phát triển.
Đối với một số cựu giám đốc của Vanguard, Trung Quốc từng là thị trường "béo bở". Dẫu vậy, sự hứng khởi đã bắt đầu giảm dần dưới thời Tim Buckley – người tiếp quản vị trí giám đốc điều hành vào năm 2018. Với sự chỉ đạo của ông, tân CFO mới đánh giá lại lợi nhuận hàng quý của từng lĩnh vực và khu vực.
Dù tiềm năng ở Trung Quốc là rất lớn, nhưng Vanguard vẫn không đăng ký giấy phép hoạt động quỹ ngay. Vào tháng 8, công ty này khiến nhiều người ngạc nhiên khi có kế hoạch ngừng hoạt động tại Hồng Kông và Singapore, ảnh hưởng đến 70 việc làm. Nguyên nhân là do động lực hiện tại trong ngành không tạo điều kiện cho mô hình chi phí thấp của họ, đồng thời chỉ ra cơ hội đáng kể ở Trung Quốc.
Hồi tháng 10, công ty này tiếp tục thu hẹp hoạt động, khi trả lại 21 tỷ USD số tài sản họ quản lý cho các khách hàng trong chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Vanguard cũng mất quyền giám sát 590 triệu USD tài sản ở Đài Loan do hoạt động yếu kém.
Một vấn đề khác là các quy định. Dù đã mở cửa, cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp ngoại, Trung Quốc lại thắt chặt các yêu cầu. 1 năm sau khi mở cửa, chỉ có BlackRock lấy được giấy phép hoạt động quỹ.
Theo một báo cáo hồi tháng 11 của China International Capital, các nhà quản lý tài sản do nước ngoài kiểm soát hoặc sở hữu toàn bộ có thể giành tới 15% thị phần từ các đối thủ trong nước ở thập kỷ tới. Tuy nhiên, họ cần phải vượt qua các rào cản bao gồm thiếu kênh phân phối, cùng với đó là lợi thế dẫn đầu của các công ty Trung Quốc.
Sau nhiều thập kỷ kể từ khi các công ty Phố Wall lần đầu tiên thâm nhập thị trường Trung Quốc, họ vẫn bị lép vế trong mảng quản lý tài sản trước sự hiện diện các ngân hàng và công ty môi giới trong nước. Theo dữ liệu của Morningstar và Bloomberg, các quỹ được hỗ trợ bởi công ty quốc tế chỉ huy động được 1 nửa so với con số 967 tỷ USD của hơn 100 đối thủ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020.
Nếu không có giấy phép hoạt động tại Trung Quốc, Vanguard sẽ phải làm việc thông qua liên doanh với Ant. Nguồn tin thân cận tiết lộ, tài sản do công ty này quản lý đã tăng 60% so với cuối năm ngoái lên 6,9 tỷ CNY tính đến ngày 28/2. Theo đó, Vanguard sắp đạt mức hòa vốn ước tính là 10 tỷ CNY trước mục tiêu 5 năm.