Ngay khi đặt chân đến Paris cuối ngày 9-11 (giờ địa phương), ông chủ Nhà Trắng đã kịp đăng thông điệp chỉ trích tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron trên mạng xã hội Twitter. Dù vậy, chỉ trích này dựa trên thông tin tóm tắt không chính xác về cuộc phỏng vấn ông Macron - cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đã gọi Mỹ là mối đe dọa.
Một ngày sau đó, ông Trump tiếp tục gây bão dư luận với quyết định hủy kế hoạch dự lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ tử trận trong Thế chiến thứ nhất tại một nghĩa trang cách Paris khoảng 80 km chỉ vì trời mưa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất tại Paris - Pháp hôm 11-11 ẢNH: REUTERS
Đến ngày 11-11, ông Trump cùng khoảng 60 nhà lãnh đạo khác dự buổi lễ tưởng niệm bên dưới Khải Hoàn Môn. Theo trang Bloomberg, ông chủ Nhà Trắng ngồi yên, không bộc lộ cảm xúc khi lắng nghe Tổng thống Macron phát đi thông điệp mạnh mẽ về những nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc, sử dụng những lời lẽ được cho là còn nhằm công kích chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông.
"Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lòng yêu nước. Khi nói "lợi ích của chúng ta trên hết và không bận tâm đến lợi ích của người khác", bạn đã xóa bỏ điều quý giá nhất mà một quốc gia nắm giữ - các giá trị đạo đức" - tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Chưa hết, ông chủ Nhà Trắng còn nói "không" với Diễn đàn Hòa bình Paris, nằm trong chương trình kỷ niệm, được tổ chức hôm 11-11. Tại đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phát đi thông điệp tương tự ông Macron khi đề cao những giá trị của sự hợp tác quốc tế và đa phương, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới. Không lâu sau khi diễn đàn này khai mạc, ông Trump lên Không lực 1 về nhà sau 44 giờ có mặt tại Paris.
Một số chuyên gia thắc mắc liệu có tổng thống Mỹ nào trông cô lập hơn ông Trump tại Paris hay không? "Chứng kiến những sự kiện tại Pháp, tôi không thể nhớ được nước Mỹ có bao giờ trông cô lập như lúc này hay không? Nước Mỹ trên hết giờ không khác gì nước Mỹ một mình" - ông David Axelrod, cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Barack Obama, viết trên Twitter cuối ngày 11-11.
Một số người chỉ ra biểu tượng của "nước Mỹ lẻ loi" tại Paris khi ông Trump chọn đến thẳng Khải Hoàn Môn để dự buổi lễ thay vì tập trung cùng các nhà lãnh đạo khác tại Điện Élysée. Với quyết định này, ông Trump cũng bỏ lỡ cơ hội cùng các nhà lãnh đạo khác sải bước dọc Đại lộ Champs-Élysées sau đó trong cảnh tượng gây ấn tượng mạnh về chủ nghĩa đa phương.