Nước Mỹ đang đứng trước một nguy cơ lớn và những người lãnh đạo buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn. Người đàn ông quyền lực Powell có thể sẽ thuận theo ý Tổng thống Donald Trump, đánh cược vào một canh bạc mới.
Tiếp tục canh bạc mới
Nói chuyện với tư cách là khách mời trong một sự kiện phát trực tuyến, do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức đêm qua (giờ Việt Nam), Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cần thêm nhiều “vũ khí” hỗ trợ hơn nữa để kéo nền kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái.
Theo người đàn ông quyền lực nhất trong ngành tài chính nước Mỹ, mặc dù Fed đã phản ứng kịp thời và phù hợp với nền kinh tế, nhưng đây có thể chưa phải những biện pháp cuối cùng khi mà “con đường phía trước còn quá bất ổn” và chịu “nhiều rủi ro suy giảm nghiêm trọng”.
Ông Jerome Powell cho rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù vị chủ tịch Fed không nêu chi tiết những biện pháp cần thiết là gì, nhưng cũng hướng tới những biện pháp hỗ trợ tài khóa thêm từ phía quốc hội Mỹ.
Những tuyên bố của ông Jerome Powell đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vừa phát ra những tín hiệu không mấy tích cực. Bộ Lao động Mỹ công bố có tới 20,5 triệu việc làm bị mất trong tháng 4/2020. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 cũng giảm mạnh tới 0,8%.
Ông Powell lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ kéo dài. |
Bộ Tài chính Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách tháng 4 lên mức kỷ lục 738 tỷ USD do chi tiêu chính phủ tăng vọt và nguồn thu thuế sụt giảm do các biện pháp khống chế dịch bệnh. Một số dự báo cho rằng, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm 2020 có thể vượt 3,8 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông chủ Fed khẳng định chưa sử dụng lãi suất âm và cho biết công cụ này không phải là cái mà Fed xem xét tới “ở vào thời điểm này”.
Ông Powell đánh giá sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ có thể diễn ra từ từ. Những gói hỗ trợ thêm của chính phủ Mỹ với các hộ gia đình và doanh nghiệp là “đáng giá” để tránh những thiệt hại gia tăng.
Hôm 12/5, tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter cho hay ông ủng hộ việc áp dụng lãi suất âm. Ông Trump đã liên tục chỉ trích ông Powell về việc duy trì một chính sách tiền tệ thắt chặt không hợp lý và đây có thể là một trong các lý do khiến Fed đã 2 lần nới lỏng tiền tệ hồi tháng 3/2020, đưa lãi suất về sát 0%. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến Fed quyết định bơm tiền kỷ lục, lên tới hàng ngàn tỷ USD vào thị trường.
Lần này, ông Trump chưa có "lời qua tiếng lại" gì với Fed nhưng không ít nhà đầu tư đánh cược vào khả năng ông Powell sẽ thuận theo ông Donald Trump. Trong hai phiên đầu tuần, nhiều lần các tín hiệu cho thấy, thị trường đánh cược lãi suất sẽ rơi vào vùng âm vào cuối năm nay.
Chờ chính sách mới, nước Mỹ chao đảo
Thị trường tài chính thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng biến động mạnh sau những nhận định khá tiêu cực của ông chủ Fed.
Giá vàng tăng vọt lên gần ngưỡng 1.720 USD/ounce (47,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí). Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 520 điểm (-2,1%) xuống 23.248 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 1,8% trong khi chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite mất 1,6%.
Điều mà giới đầu tư lo ngại ở vào thời điểm hiện tại chính là khả năng nước Mỹ sẽ như thế nào sau khi các bang tái mở cửa nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng bùng phát làn sóng thứ 2 nhiễm Covid-19.
Người đàn ông quyền lực Mỹ nhiều lần thuận theo ông Donald Trump. |
Theo cảnh báo từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cần thêm thời gian để đưa vaccines phòng chống Covid-19 vào sử dụng. Từ nay tới lúc đó, nước Mỹ có thể phải đối mặt “với nhiều đau khổ và tử vong hơn” nếu các bang mở cửa trở lại quá nhanh.
Trên CNBC, CEO của The Earnings Scout cho rằng, diễn biến trên thị trường phụ thuộc vào vài tháng tới và các doanh nghiệp có thể tái mở cửa thành công như thế nào. Tất cả các biện pháp kích thích trên thế giới sẽ không bù đắp nổi thiệt hại của các DN bị đóng cửa một thời gian dài.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang thận trọng và tập trung theo dõi cuộc chiến mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên cả mặt trận thương mại, tiền tệ và thị trường vốn.
Trong một diễn biến gần đây, ông Donald Trump lệnh rút hàng tỷ USD khỏi TTCK Trung Quốc và chỉ đạo Quỹ hưu trí liên bang nước này “ngay lập tức” dừng tất cả các bước liên quan tới việc đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn chứng khoán.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng tiềm ẩn rủi ro một cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong vài ngày qua, cặp tỷ giá được các trader ngoại hối toàn cầu chú ý nhất là: USD/CNY. Kể từ cuối tháng 4, đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã giảm khoảng 0,5% so với USD sau khi ông Trump cáo buộc virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ Trung Quốc và đề cập tới việc áp thuế để trừng phạt.
Trước đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến đồng CNY giảm mạnh. Ông Trump sau đó đã gây sức ép để Bắc Kinh kiểm soát đồng tiền này, thông qua các cuộc đàm phán thương mại mà kết thúc ở thỏa thuận giai đoạn 1, được ký hồi tháng 1/2020.
Nhiều dự báo cho rằng, đồng Nhân dân tệ chắc chắn sẽ suy yếu hơn nữa nếu mâu thuẫn Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng. Đồng CNY được dự báo có thể xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008 là 7,30 đổi 1 USD trong vài tháng tới, so với mức quanh 7-7,1 hiện tại.
V. Hà