Nhật Bản quyết định có biện pháp đối phó với tình trạng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng. Tuy nhiên, nỗ lực của Nhật Bản có thể không hiệu quả nếu không có "cam kết" từ Mỹ. Tình trạng này nguy cơ khiến các quốc gia trong khu vực, kể cả Mỹ, gặp bất lợi.
Nỗ lực nhằm kìm hãm sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á phải phối hợp tốt với những biện pháp đến từ chính phủ Mỹ cùng những cam kết hỗ trợ về kinh tế cho khu vực, Stephen Nagy, giáo sư khoa chính trị và quốc tế học, Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo, phát biểu.
“Nhật Bản không thể đơn phương độc mã trong cuộc chiến này. Đơn giản là vì họ không có đủ nguồn lực cần thiết. Họ cần sự trợ giúp về kinh tế cũng như là an ninh mà Mỹ có thể đáp ứng cho khu vực này”, Nagy chia sẻ.
Nhật Bản đã thực hiện những chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á trong suốt hội nghị thượng đỉnh Mekong- Nhật Bản tổ chức tại Tokyo hôm 9/10. Cuộc họp này là một phần trong kế hoạch của Nhật Bản nhằm gia tăng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tầm ảnh hưởng về cả chính trị lẫn kinh tế thông qua những dự án cơ sở hạ tầng mà chính sách Vành đai và Con đường (BRI) là một ví dụ.
Ảnh: Reuters
Tương lai của kinh tế thế giới
Mỹ và những đồng minh, trong đó có Nhật Bản, đã cùng nhau thông qua chiến lược “Khu vực liên Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm kìm hãm sức ảnh hưởng không ngừng tăng lên của Bắc Kinh.
Khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược vô cùng lớn vì nó là tương lai của nền kinh tế thế giới, Nagy chia sẻ. Mỹ và Nhật Bản có thể đánh mất vị thế của họ tại khu vực đang phát triển mạnh mẽ này nếu như Trung Quốc có những chính sách áp đặt lên kinh tế cũng như chính trị của khu vực.
Các nước châu Á quanh khu vực liên Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ trông chờ vào những hành động nhằm kĩm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến từ cả Mỹ và Nhật Bản.
“Họ mong chờ nhiều hơn từ Nhật Bản nhưng họ cũng muốn thấy những 'cam kết' của Mỹ không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trên phương diện quân sự”, Nagy nhấn mạnh.
Cái giá của chính sách 'nước Mỹ trước tiên'
“Không rõ Tổng thống Trump và những người ủng hộ có để ý rằng nếu không có sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, chính sách 'nước Mỹ trước tiên' có thể trở thành 'nước Mỹ cuối cùng'", Nagy chia sẻ.
"Nếu Washington không chủ động hợp tác với các quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương thì tôi e rằng khu vực này sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc hơn từ các chính sách địa chính trị của Trung Quốc cũng như các thế lực khác trong khu vực. Hệ quả là thị trường khu vực này sẽ không còn rộng cửa chào đón Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác nữa".
Cùng với việc mất đi cơ hội tiếp cận một trong những thị trường đông dân nhất trên thế giới, sẽ có những hệ quả khác gây ảnh hưởng đến nước Mỹ qua những cách mà chúng ta không thể dự đoán trước được, ông cảnh báo.
Chính sách BRI của Trung Quốc cùng với những tham vọng địa chính trị nhằm tạo nên một trật tự kinh tế mới trong khu vực, với Bắc Kinh ở vị trí đứng đầu và đằng sau là các nước phụ thuộc vào Trung Quốc, sẽ ngăn cản những quốc gia này có quan điểm chính trị độc lập.