Con sông Hoàng Hà đầy phù sa và trầm tích - con sông dài thứ 2 tại Trung Quốc , chỉ sau sông Dương Tử (Trường Giang) - gần đây có thể đã trở nên trong nhất trong vòng 500 năm qua, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) trích dẫn kết quả một nghiên cứu mới được công bố về con sông này.
Theo SCMP, sông Hoàng Hà vốn được đặt tên như vậy vì nước sông có màu vàng đặc biệt, do lượng phù sa và trầm tích trong dòng nước có thể lên đến 34kg/1 mét khối nước - gấp 34 lần so với sông Nile ở châu Phi.
Trải dài 5.464km, sông Hoàng Hà bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải ở miền Tây Bắc Trung Quốc và chảy ra biển Bột Hải ở phía Đông tỉnh Sơn Đông.
Vùng đồng bằng trù phú của sông Hoàng Hà đã biến dòng sông này trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc cổ đại, tuy nhiên lượng trầm tích tích tụ và lắng đọng qua nhiều năm đã khiến phần đáy sông dày lên, gây ra hậu quả là những trận lũ lụt nghiêm trọng đã cướp đi nhiều mạng người trong những năm qua.
Các nhà khoa học lo lắng về hiện tượng bất thường trên sông Hoàng Hà
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là nhà địa lý học An Zhisheng của Viện nghiên cứu Môi trường Trái đất, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở thành phố Tây An, Trung Quốc, đã lựa chọn chủ đề nghiên cứu về lượng trầm tích của sông Hoàng Hà trong khoảng thời gian hơn 1 thập kỷ qua. Nhóm nghiên cứu này đã tìm cách tái tạo những biến đổi của dòng sông Hoàng Hà kể từ năm 1492.
Để thực hiện điều này, ông An và các cộng sự đã thu thập dữ liệu vân gỗ của các cây sinh trưởng trong khu vực gần sông Hoàng Hà để xác định lượng nước đổ vào con sông này mỗi năm.
Mặc dù đây không phải là cách đo đạc trực tiếp cho yếu tố độ trong của nước sông, nhưng những dữ liệu này cho phép các nhà khoa học ước lượng mức độ xói mòn diễn ra tại khu vực lân cận và khối lượng phù sa, trầm tích chảy xuống sông Hoàng Hà.
Sông Hoàng Hà có màu nước đặc biệt do hàm lượng phù sa và trầm tích lớn trong dòng nước. Ảnh: Tân Hoa Xã
Các nhà khoa học đã phát hiện sự sụt giảm mạnh về dòng chảy và lượng trầm tích trong dòng sông Hoàng Hà trong những thập kỷ gần đây, và mô tả hiện tượng này là "chưa từng thấy trong vòng 5 thập kỷ qua", theo nội dung bài báo nghiên cứu được đăng tải trong tháng này trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) của Mỹ.
Là trung tâm của văn hóa Trung Quốc, những điều diễn ra trên con sông Hoàng Hà thường có ảnh hưởng sâu rộng đến người dân nước này. Sử sách Trung Quốc từng đề cập đến những lần nước sông Hoàng Hà trở nên trong bất thường, và gọi đó là dấu hiệu của "phước lành trời ban".
Được biết, hiện tượng bất thường nói trên diễn ra vài thập kỷ một lần, nhưng các nhà khoa học cho rằng những điều xảy ra gần đây "không hoàn toàn là tin tốt", theo SCMP.
Có nhiều yếu tố tự nhiên góp phần quyết định vòng tuần hoàn của nước như chu kỳ khí quyển toàn cầu và khí hậu trong vùng. Nhưng kể từ thập niên 1960, vòng tuần hoàn của nước đã bắt đầu trở nên suy yếu dần cho đến khi "hoàn toàn biến mất" trong những năm gần đây, theo ông An và các cộng sự.
Tình trạng mùa mưa ở châu Á suy yếu đã làm giảm lượng mưa tổng thể ở khu vực sông Hoàng Hà, tuy nhiên các nhà khoa học nói rằng đây chỉ là một phần nguyên do dẫn đến việc con sông này biến đổi.
Theo nghiên cứu trên, một nguyên nhân lớn khác là việc con người tăng cường các hoạt động như tưới tiêu đất trồng trọt và canh tác quy mô lớn trong khu vực sông Hoàng Hà - điều này giúp con người cải thiện cuộc sống, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhưng cũng sử dụng một lượng nước sông rất lớn.
Theo ước tính của nhà địa lý An và các cộng sự, lượng dòng chảy đổ về sông Hoàng Hà đã giảm đi ít nhất một nửa do các hoạt động nói trên - từ lượng nước trung bình mỗi năm vào khoảng 40 tỉ mét khối trong vòng 500 năm qua, giảm xuống còn khoảng 20 tỉ mét khối vào ngày nay.
Do lượng dòng chảy đổ về con sông giảm đi rõ rệt, lượng phù sa và trầm tích cũng ít hơn trước. Và với lượng nước ít hơn, sông Hoàng Hà cũng chảy chậm hơn và lượng phù sa chảy về hạ nguồn cũng sụt giảm đáng kể.
Dự báo về thời gian tới, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng lòng sông dâng cao sẽ chậm lại, hoặc thậm chí là bị đảo ngược. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro xảy ra lũ lụt, nhưng lại có nguy cơ gây ra tình trạng mất ổn định ở 2 bên bờ sông tại một số khu vực.
Và trong viễn cảnh tồi tệ nhất, sông Hoàng Hà có thể sẽ cạn khô và gây ra "thảm họa khủng khiếp cho người dân ở vùng hạ nguồn", nhóm nhà khoa học trên cảnh báo.