CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu đạt 123 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn với 16% giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 47,9% lên 51,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 63 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, TDM lãi trước thuế 57 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 3/2021.
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận tăng mạnh trong quý 3 chủ yếu do sản lượng nước tiêu thụ và giá cung cấp nước sạch tăng so với cùng kỳ với tỷ lệ lần lượt 17,5% và 8,5%. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh đến 82% so với cùng kỳ cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.
Nguồn: BCTC quý 3/2022 của TDM
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TDM ghi nhận doanh thu đạt 353 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh do không còn khoản cổ tức nhận được như trong cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của TDM sụt giảm 22% xuống còn 154 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2022, TDM đặt mục tiêu tiêu thụ hơn 71 triệu m3 nước, tăng 12% so với năm 2021. Ước tính tổng doanh thu giảm 16% so với năm 2021, còn 510 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước giảm 27% so với thực hiện năm 2021, đạt gần 247 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng không tính đến phần cổ tức nhận được từ Biwase. Cổ tức phấn đấu tỷ lệ 13%.
Trong năm 2022, TDM dự kiến tiếp tục đầu tư 2 tuyến ống nước thô cho Nhà máy nước Dĩ An và Nhà máy nước Bàu Bàng. Tiếp tục tìm nguồn vốn với lãi suất tốt để thực hiện các dự án của công ty về cấp nước và đầu tư tài chính. Công ty dự kiến sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng hiện nay lên 1.200 tỷ đồng để đầu tư vào những công ty cùng ngành nghề có tiềm năng như dự trữ nguồn đất phát triển dự án trong tương lai.
Ngày 25/10 tới đây, TDM dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, trong đó nội dung đáng chú ý là tờ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án chào bán thêm cổ phiếu. Trong tờ trình mới nhất, TDM xin ý kiến cổ đông kéo dài thời hạn thực hiện sang tới quý 4/2022 đến quý 1/2023, sau khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Trước đó vào tháng 3/2021, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông TDM đã nhất trí phương án chào bán 10 triệu cổ phiếu ra công chúng bằng hình thức đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) theo tỷ lệ 10%. Tổng giá trị theo mệnh giá là 100 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ công ty lên 1.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự kiến từ quý 2/2022, sau khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Kế hoạch sử dụng vốn thu về cũng được tinh gọn. Tổng số tiền huy động dự kiến căn cứ theo giá đóng cửa phiên 5/9 của cổ phiếu TDM là 28.300 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa thấp nhất trong 52 tuần gần nhất với thời điểm đưa ra tờ trình) sẽ đạt 283 tỷ đồng. TDM sẽ dùng 143 tỷ đồng nhằm đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp nước Cần Thơ và 140 tỷ đồng còn lại được dùng để đầu tư tuyến ống chuyển tải nước thô D1600 từ công trình thu Tân Ba về Nhà máy Nước Dĩ An.