Theo Báo Bình Thuận, với giống dâu mới và giống tằm mới cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân, ứng với câu nói "nuôi heo cả năm, bằng nuôi tằm một lứa".
Trả lời tờ báo này, Anh Phạm Văn Quyết (xã Đức Tín, huyện Đức Linh, Bình Thuận) cho biết cách đây 7 năm về trước, cây tiêu bị dịch bệnh chết trên quy mô rộng, đàn heo cũng bị giảm do dịch tả heo châu Phi. Khi đó, anh tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả.
Anh đã bỏ ra nhiều công sức để tìm tòi học hỏi cách trồng dâu nuôi tằm ở nhiều địa phương khác nhau. Sau khi có kiến thức, anh Quyết bắt tay vào đầu tư trồng 1 ha cây dâu (giống mới) với 150m2 nhà nuôi tằm . Với diện tích trên, anh đã nuôi 4 hộp tằm con, thời gian nuôi 20 ngày trong kỹ thuật nhà trệt, nền tráng xi măng.
Qua 1 năm chuyển đổi, anh Quyết nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt khi cho thu hoạch ổn định với mức giá bán bình quân như hiện nay là 160.000 - 170.000 đồng/kg kén thành phẩm. Trừ chi phí, anh thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm khả quan, thu nhập ổn định.
"Một hộp tằm nuôi trong khoảng 15-18 ngày, cho ra thành phẩm từ 45 - 65kg kén tùy theo hộp nhỏ hoặc lớn, đặc biệt cần phải chủ động trồng đến 2 sào dâu mới đủ cung ứng nguồn thức ăn cho mỗi đợt nuôi tằm . Còn khu vực nuôi tằm phải thông thoáng và mát mẻ, nhiệt độ từ 25 - 28, khi tằm chín lên mé – vật dụng nằm cuộn tròn để tạo kén phải có nắng gió lưu thông cho ra thành phẩm kén có màu trắng ngà –phẩm cấp đẹp, bán được giá cao", anh Quyết chia sẻ.
Các hộ nông dân trong xã Đức Tín đã cùng hình thành Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở xã Đức Tín và liên tục mở rộng thành viên cũng như diện tích canh tác.
Chị Bùi Thị Thu Tâm (thành viên tổ hợp tác xã ) chia sẻ: Chị "bén duyên" với nghề trồng dâu, nuôi tằm này cũng đã được 5 năm. Chị nhận thấy, trên cùng một diện tích đất, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây màu truyền thống. Theo tính toán, nuôi 1 hộp tằm trong 18 ngày nông dân lợi nhuận không dưới 10 triệu đồng, thích ứng với câu nói "nuôi heo cả năm bằng nuôi tằm một lứa".
Ông Nguyễn Hữu Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tín cho biết: "Ban đầu, Đức Tín chỉ có 1 - 2 hộ trồng dâu, nuôi tằm . Tuy nhiên, đến năm 2023 phát triển thành Tổ hợp tác và hiện tại, Tổ hợp tác có 25 nông hộ trồng gần 40 ha dâu, trong đó, 16 hộ đang nuôi tằm và canh tác khoảng 25 ha dâu, diện tích còn lại đang trồng mới".
"Bình quân mỗi tháng trên địa bàn xã Đức Tín, Tổ hợp tác thu hoạch khoảng hơn 2 tấn kén, với giá từ 160.000 -170.000 đồng/kg kén thành phẩm thì người nông dân có lãi", ông Nam nói.
Theo Báo Dân tộc và miền núi, tuỳ từng địa phương và trình độ kỹ thuật nuôi tằm mà các vùng có cơ cấu giống tằm khác nhau. Nguyên tắc chung là tằm lưỡng hệ kén trắng có năng suất chất lượng thường được nuôi vào thời vụ mát mẻ, dễ nuôi vụ Xuân-Thu. Tằm vàng (Đa hệ x Lưỡng hệ; Đa hệ nguyên) được nuôi vào thời vụ nóng ẩm (vụ hè) và vùng dâu trình độ chăn tằm còn yếu.
Tằm dâu là loại côn trùng đơn thực, thức ăn là lá dâu được con người thuần dưỡng lâu đời nên rất mẫn cảm với các điều kiện sống quanh nó, như thức ăn, nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, gió, môi trường sống… Vì vậy để nuôi tằm tốt cần tạo điều kiện thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm, hạn chế ảnh hưởng xấu và tích cực phòng bệnh cho tằm.
Lá dâu là thức ăn duy nhất của con tằm do vậy không có nguồn thức ăn khác bổ sung. Lá dâu cho tằm cần nhiều dinh dưỡng, lá xanh đậm, nhiều nhựa, hái lá đúng tuổi, bảo quản tốt và đủ số lượng. Dâu già, nhiều nước, nhiều đạm, non so với tuổi.... đều ảnh hưởng xấu đến tằm như phát dục không đều, dễ nhiễm bệnh, kén mòng... dẫn đến thất thu cao.