Vào những ngày tháng 4 đã xuất hiện mưa rào, sấm chớp, cây cối xứ Mường (Hòa Bình) như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Hoa rừng cũng bắt đầu đua nhau khoe sắc. Sau phút giải lao khi cả sáng "làm bạn" với đàn ong mật, ngồi nhâm nhi chén chè xanh với chung tôi, ông Mai Văn Chữ - thợ nuôi ong kì cựu ở phường Kỳ Sơn khẳng định có một mùa mật ong bội thu đang đến.
Ông Chữ đang kiểm tra quá trình phát triển của ong mật tại vườn.
Ông Mai Căn Chữ bảo: "Tiếng ong bay vo ve trong chiều hè, tựa như một chất xúc tác khiến tôi đam mê nhiều năm qua. Nghe tiếng ong mật bay đi kiếm phấn về tổ là tôi biết tình hình đàn ong có ổn hay không. Gắn bó với đàn ong nên tôi cảm nhận được ong khỏe hay yếu và chúng đang sống thế nào. Với tôi, con ong là một phần của cuộc đời tựa như duyên nghiệp".
Ông Chữ năm nay đã ngoài 60 tuổi. Là cán bộ quân đội về hưu, như người ta sẽ được vui vầy bên con cháu, ông Chữ lại miệt mài chỉ huy 150 đàn ong mật. Vốn đã khỏe, nuôi ong ông lại càng khỏe thêm ra. Ông sống trong ngôi nhà cao tầng bề thế với đầy đủ tiện nghi. Có được cuộc sống an nhàn và sung túc này, ông bảo: “Đều từ đàn ong mật mà ra cả. Mình chăm chút cho đám ong mật, chúng lo đời sống cho mình”.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, những cầu ong mật nhà ông Chữ luôn sóng sánh đặc mật nguyên chất.
Theo ông Chữ, nuôi ong mật giống như kiểu du mục, nay đây mai đó, theo mùa hoa. Lúc đến mùa hoa nhãn, cam, bưởi thì ông mang tất cả đàn ong về huyện Cao Phong hoặc các nhà vườn gần thành phố Hòa Bình cho chúng kiếm ăn.
Muốn đàn ong mật phát triển khoẻ mạnh, bắt buộc người nuôi phải am hiểu địa lý và tập tính của loài ong, nắm bắt được mùa nào hoa nở rộ để di chuyển chúng đến nơi có nguồn phấn hoa dồi dào. Thời tiết nắng, mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng người nuôi ong cần để ý. Hàng ngày, người nuôi phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa…
Nhờ nuôi ong mật, ông Chữ đã có cuộc sống sung túc, nhà cửa được xây dựng khang trang.
Nhiều năm gắn bó với đàn ong, ông Chữ nâng niu chúng như những thành viên trong nhà. Giờ đàn ong trả nghĩa lại cho ông là những lít mật đặc sóng sánh và thơm mùi hương rừng. Dẫn chúng tôi ra sau vườn tham quan. Khu vườn nhỏ được đặt 60 thùng ong, còn 90 thùng khác ông gửi ở trong núi của dân. Diện tích sống vỏn vẹn của đàn ong trong chiếc thùng rộng chưa đầy nửa mét vuông, nhưng nó là nơi trú ngụ của đại gia đình ong...
Ông Chữ gắn bó cả đời với đàn ong và chăm sóc, nâng niu chúng như những thành viên trong nhà.
Cuối chiều, ong đi kiếm ăn về, chúng bay vi vu và trở về từ khắp chốn. Ông Chữ nhẹ nhàng đưa tay mở từng thùng ong ra kiểm tra. Đám ong thấy động nhưng nhưng vẫn ngoan ngoãn nằm ở các cầu ong. Vừa giơ cầu ong lên xem, ông Chữ nở nụ cười tươi rói: “Các anh nhìn xem, mật vàng bám ở dưới thành. Trứng ong nhiều vô số kể, chứng tỏ đàn ong này phát triển rất tốt”.
Hiện ông Chữ sở hữu 150 đàn ong mật.
Khi thăm khu nuôi ong, ông Chữ luôn đảo mắt khắp vườn. Ông tựa như một vị thần hộ mệnh bảo vệ đàn ong của mình trước những nguy hiểm dình dập. Ông Chữ kể, nuôi ong mật sợ nhất là đám ong đất, vì chúng là kẻ thù không đợi trời chung của đàn ong mật. Chúng là quân phá hoại, 1 con ong đất xuất hiện là nó nhảy vào ăn ong mật liên tục. Nếu để nó lọt vào thùng ong, coi như mình mất đàn.
"Để khắc phục tình trạng này, tôi thường mua quả dưa hấu rồi khoét lỗ, đám ong đất nhìn thấy sẽ nhảy vào đánh chén mà không phá hoại đàn ong của mình. Ngoài ra, đám ong đất rất thích thịt thối, chỉ cần bỏ vài miếng xung quanh khu nuôi ong là chúng nhảy vào đánh chén no nê. Khi chúng đã được thỏa mãn về thức ăn, chúng sẽ không phá ong mật”, ông Chữ chia sẻ bí quyết nuôi ong mật, kinh nghiệm nuôi ong mật.
Mỗi tổ ong mật của ông Chữ cho 10 lít mật/vụ.
Kiểm tra thùng ong này đến thùng ong khác, ông Chữ đều rất hài lòng. Tiếp xúc với đội quân mi ni mà ông vẫn không làm xáo động cuộc sống của chúng. Ông Chữ nhìn đám ong chui vào tổ tựa như một vị quân vương đang đánh giá tình hình chung trong vương quốc của mình.
Ông nói: “Cuộc sống của đàn ong đòi hỏi nơi yên tĩnh, tránh gây tiếng động mạnh. Tổ của chúng phải được giữ yên ổn. Theo dõi đám ong thợ về, nếu 10 con về mà có 4-5 con mang theo phấn hoa về, chứng tỏ tổ ong phát triển tốt. Ngược lại, nếu đám ong thợ cả 10 con đều về tay không thì tổ của chúng có vấn đề”.
“150 đàn ong của gia đình tôi, hoàn toàn tự kiếm ăn từ hương hoa của núi rừng, vườn tược. Tôi không cho chúng ăn đường, nên mật thu được là hoàn toàn tự nhiên. Mỗi tổ ong cho 10 lít mật/vụ. Bình quân 150 thùng ong của tôi sẽ cho thu khoảng 1.500 lít mật, với giá bán hiện nay là 200.000 đồng/lít. Sau khi trừ chi phí tôi thu lời hơn 160 triệu đồng".