Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu là một trong những hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá chiên. Mỗi năm nghề nuôi cá đã mang lại cho gia đình chị cả trăm triệu đồng. Chị Dung chia sẻ, với giá bán 350 -400 nghìn đồng/1kg, mỗi con cá chiên trị giá cả triệu đồng.
"Nuôi cá chiên nếu thuận lợi, sẽ thu hồi vốn trong 2 năm. Giống cá này dễ bán và luôn giữ được giá cao. Tuy nhiên, nuôi cá chiên cũng gặp nhiều rủi ro khi nguồn nước thay đổi, cá dễ bị chết", chị Dung cho biết.
Bà con xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu nuôi cá chiên.
Cũng giống như chị Dung, cả trăm hộ gia đình ở xã Phúc Sạn đã nuôi thành công nhiều loài cá đặc sản có giá trị cao như trắm đen, cá lăng, cá bỗng... Tận dụng diện tích lòng hồ mênh mông, nhiều gia đình đã tiếp tục đầu tư nuôi cá lồng.
Nuôi cá lồng mở ra nhiều cơ hội làm giầu cho bà con nông dân tỉnh Hòa Bình.
HTX sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp xã Thống Nhất từ nhiều năm nay đã thành công trong việc ươm cá giống để cung cấp cho bà con. với 33 lồng cá giống, mỗi năm HTX cung ứng từ 10-15 vạn con cá giống, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Theo ông Ngô Văn Thuấn, Chủ nhiệm HTX, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nhanh chóng. Nhiều lúc, HTX không có đủ nguồn cá giống để bán.
Người nông dân ở phường Bình Thanh, TP. Hòa Bình nuôi chạch chấu. Mỗi kg chạch chấu có giá cả triệu đồng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình, đến nay toàn tỉnh đã phát triển lên 4.200 lồng với sản lượng đạt khoảng 3.700 tấn cá/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1.000 lao động. UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình giai đoạn 2015-2020.
Mục tiêu đến năm 2020, số lồng nuôi cá trên vùng hồ Hòa Bình có 3.500 lồng (nhưng đến nay đã vượt chỉ tiêu) tương đương 85.000 m3, sản lượng nuôi khai thác đạt 5.600 tấn, tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động.
Bà con nông dân phường Thái Thịnh, TP. Hòa Bình có thu nhập cao nhờ nghề nuôi cá lồng.