“Khi làm xong cũng là thời điểm vào mùa khô, tôi để nước và môi trường trong bàu ổn định, rồi mới đi mua 40kg cá trắm, trôi, mè, chép và rô phi về thả. Thật không may cá lóc trong bàu ăn gần hết cá giống, vì thế cuối vụ thu chẳng được bao nhiêu” - ông Hùng chia sẻ.
Riêng với cá rô phi, mỗi năm gia đình ông Hùng thu về vài chục triệu đồng. Ảnh: N.M
Rút kinh nghiệm năm sau, ông Hùng bắt bớt cá lóc và tiếp tục thả 10kg cá mè, tương ứng khoảng 1.500 con và 10kg cá rô phi. Sau 1 năm ông thu được 1,4 tấn cá rô phi và trên 7 tạ cá mè.
“Năm đó gia đình tôi thu trên 60 triệu đồng, trừ tiền thuê bàu 7 triệu đồng/năm, tiền lưới, giống, còn lời trên 30 triệu đồng” - ông Hùng nói.
Với diện tích mặt nước lớn, ông Hùng nuôi cá theo cách quảng canh, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong bàu, ông còn mắc thêm mấy bóng điện trên mặt bàu dụ các loại côn trùng bay tới làm mồi cho cá. Bởi vậy, cá ở đây nhanh lớn, màu vàng sáng, vị ngọt thanh, mùi thơm, thịt dai.
Hàng ngày ông Hùng dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị áo phao, lưới, vợt đi đánh bắt cá cho vợ đi bán. “Tôi thường đem khoảng 7-8kg cá ra chợ trong xã bán, với giá 30.000 đồng/kg, tôi đã có trên 200.000 đồng, đủ tiền chi tiêu hàng ngày. Còn thương lái ngoài thị xã dặn mua ổng sẽ bắt nhiều hơn”- bà Lê Thị Hàng - vợ ông Hùng vui vẻ cho hay.
Hai năm nay, từ nguồn cá rô phi sinh sôi trong bàu mà ông Hùng không phải mua giống, chỉ bổ sung cá mè, thác lác.
“Tháng 5 năm trước, tôi thả một ít cá thác lác bông, vừa rồi mấy con dính lưới to cả ký. Nếu ngày nào cũng bắt được 5-7kg thác lác bán giá 70.000 đồng/kg, cộng thêm tiền bán cá rô phi, mè thì một năm tổng thu cũng trên 100 triệu đồng” - ông Hùng nhẩm tính. Thời gian tới, ông Hùng dự định thả thêm cá lăng, mua lưới đánh bắt cá thác lác…