Chị Lù Thị Kẻo, bản Nậm Củm, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang nuôi dúi -con đặc sản với hơn 1.000 con dúi ; mấy chục con trâu, bò. Từ một người phải đi đãi vàng thuê, suốt mấy chục năm qua chị Kẻo đã tạo dựng trang trại nuôi dúi bạc tỷ.
Dúi vốn là loài động vật hoang dã, nhiều năm nay ở Việt Nam, nông dân đã thuần hóa từ một loài động vật rừng thành vật nuôi kinh tế và làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để chăn nuôi thương mại.
Xung quanh chuồng dúi được bao phủ bởi dãy tre, luồng, mía xanh mướt. Phía trong nhà, từng chuồng dúi được làm vuông vắn nối liền nhau.
Theo chia sẻ của chị Kẻo, gia đình chị còn một trại dúi lớn nữa ở trên núi. Sau hai chục năm nuôi loài gặp nhấm này, gia đình chị đã thu được nhiều tỷ đồng. Một khoản thu nhập lớn mà bản thân chị Kẻo cũng cảm thấy bất ngờ.
Vừa lo ăn cho đàn dúi xong, chị Kẻo lại kéo mấy đứa cháu đi tắm. Dường như người phụ nữ Thái này chẳng có thời gian nào để ngơi nghỉ.
Trong trang trại dúi của chị Kẻo, ở mỗi gian nhà, từng ô chuồng dúi được làm vuông vắn, chắc chắn bằng những viên gạch khổ lớn ghép lại.
Phía trong chuồng, từng đôi dúi đang gặm khúc tre sồn sột; con nào con nấy béo mầm, khỏe khoắn.
Chị Kẻo cho biết: "Đây là chuồng phối giống. Đám dúi cái sau khi tách con khoảng 5 ngày, tôi cho chúng ra để lấy giống. Sau 40 ngày mang thai, chúng sẽ sinh sản. Đây là giống dúi má đào, chúng đẻ rất sai.
Một lứa, dúi mẹ đẻ từ 6 đến 8 con. Mỗi năm một con dúi mẹ đẻ 3 lứa. Dúi là loài siêu đẻ, nếu mình biết chăm sóc, nuôi dưỡng đàn con của chúng sẽ mang lại nguôn thu nhập khổng lồ".
Đám dúi má đào mà chị Kẻo nuôi trong chuồng, con nào lông tốt um, thân béo nung núc, ngoan ngoãn ở trong chuồng. Gặp người lạ, chúng cũng chẳng hề có phản ứng.
Theo chia sẻ của chị Kẻo, dúi thích ở nơi yên tĩnh và tránh ánh sáng trực tiếp. Chúng cả ngày ăn rồi ngủ trong chuồng.
Dúi thích ở môi trường mát, nếu nhiệt độ trong chuồng quá nóng, chúng dễ phát sinh bệnh tật và chết. Nuôi đám này rất nhàn, cả tháng không phải dọn chuồng. Chúng lại không uống nước, thức ăn cho chúng gồm có tre, mía, cám gạo, cám ngô…
Từ khi tách mẹ đến khi xuất bán khoảng 3 tháng, mỗi con đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg. Từ khi nuôi dúi đến nay, chị Kẻo chưa từng phải đi bán lẻ bao giờ.
Trại có dúi bán, thương lái đánh ô tô đến tận nơi, cứ một đôi dúi xuất chuồng là chị Kẻo thu được 2 triệu đồng, tương đương nửa tấn ngô.
"Nuôi dúi đã mang lại cho gia đình tôi bạc tỷ", chị Kẻo không giấu diếm khi nói về việc đàn dúi đã mang lại thu nhập lớn cho gia đình chị. Nói về con dúi tựa như là một niềm đam mê khó tả của chị Kẻo.
Đi mỏi chân mới thăm hết hệ thống chuồng dúi của chị Kẻo. Trong số cả nghìn chuồng dúi chị đã xây dựng, chị phân ra làm nhiều khu: Khu cho dúi sinh sản, khu nuôi dúi thương phẩm, khu phối giống… Nhờ vậy mà việc chăm sóc đàn dúi được dễ dàng hơn.
Ngoài 2 trại dúi , chị Kẻo còn nuôi mấy chục con lợn, gà, vịt và 50 con trâu bò sinh sản. Trâu, bò chị thả ngoài rừng. Đàn lợn giống bản địa phát triển tốt, mỗi năm cũng mang lại cho gia đình chị cả mấy chục triệu đồng.
Suốt bao năm lăn lộn, làm kinh tế, chị Kẻo luôn nỗ lực học hỏi và mở rộng quy mô sản xuất. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị đã và đang là cỗ máy "in" tiền đều đều. Đây cũng là nơi để bà con nơi đây đến thăm và học hỏi làm theo.
Nói về cách làm của mình, chị Kẻo như được trở lại với những tháng ngày đầy gian khó năm xưa: "Ngày trước đường vào Nậm Củm còn gian nan lắm. Giá nông sản bà con bán rẻ như cho.
Trong khi đó, rừng ở nơi này còn ngút ngàn, tôi nghĩ điều kiện đó phù hợp với việc nuôi trâu, bò". Cứ sau mỗi năm, đàn gia súc của gia đình lại được bổ sung thêm "thành viên". Khi số lượng trâu, bò nâng lên cũng là lúc ô tô có thể vào tới tận đất Nậm Củm. Đàn gia súc bỗng trở nên có giá hơn.
"Bán một con trâu mộng, tôi mua được cả chục tấn thóc. Nhờ nguồn thu nhập đó mà kinh tế của gia đình tôi được nâng lên rõ rệt", chị Kẻo nhớ lại.
Có vốn, có kinh nghiệm và quyết tâm thay đổi cuộc sống, nên chị Kẻo luôn mạnh dạn tiếp nhận thông tin tích cực và chuyển đổi phương thức sản xuất. Đầu năm 2002, nhận thấy con dúi mang lại hiệu quả kinh tế. Chị đã mạnh dạn mua 10 con về nuôi.
Vốn là người "mát tay", nên đàn dúi qua sự chăm sóc của chị chúng phát triển tốt. Lúc cao điểm, chị có cả nghìn con dúi giống.
Cũng thành công từ mô hình nuôi dúi sinh sản, chị nông dân Phìn Thị Mỹ ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu không chỉ đem lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm, còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân nơi đây.
Năm 2018, với số vốn tích lũy được, chị Mỹ mạnh dạn mua 30 đôi dúi giống tại tỉnh Hà Giang về nuôi thử nghiệm tại nhà.
Sau một năm chăm sóc, đàn dúi nhà chị Mỹ đã sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi đợt xuất bán mang lại thu nhập cao cho gia đình. Chị và chồng đã tiếp tục mua thêm 300 con về nuôi. Trong năm 2019, gia đình chị đã đăng kí giấy phép kinh doanh.
Với tính chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nên vợ chồng chị Mỹ đã nắm bắt được kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi dúi sinh sản. "Dù kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản nhưng cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc và theo dõi thường xuyên", chị Mỹ nói.
Đến nay, trang trại dúi của chị Mỹ có trên 1.000 con với hai loại dúi má đào và dúi mốc. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình chị thu nhập gần 500 triệu đồng/năm từ bán dúi sinh sản.
Câu chuyện làm giàu của người phụ nữ dân tộc Thái chất chứa đầy gian nan, nhưng cũng không ít tự hào. Bằng những nỗ lực và thành quả đạt được của mình, chị Kẻo đã từng được nhận nhiều giấy khen, Bằng khen của tỉnh, của huyện. Năm 2024, chị Kẻo còn vinh dự được bình chọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc.