Khi còn nhỏ, ông Nguyễn Đức Long đã cùng gia đình rời quê hương Thái Bình lên Yên Bái để xây dựng vùng kinh tế mới rồi gắn bó với mảnh đất nơi đây.
Năm 1974, khi lên vùng kinh tế mới, gia đình ông chủ yếu làm nương, trồng chè, sau đó phát triển mô hình trồng cam. Đến năm 1990, ông Long xây dựng gia đình và tiếp tục duy trì mô hình trồng cam. Tuy nhiên mô hình này không đem lại hiệu quả kinh tế. Qua tìm tòi, học hỏi, đến năm 2002, ông bắt tay vào mô hình nuôi ba ba .
Thuở ban đầu khi mới lập nghiệp với mô hình kinh tế này, ông Long cũng gặp khá nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm nên ba ba hay mắc bệnh. Dần dần ông học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước nên ông đã khắc phục được những căn bệnh thường gặp. Cũng từ đó mô hình ổn định.
Sau nhiều năm theo đuổi mô hình nuôi ba ba , nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại, ông đã nhân rộng và duy trì từ đó đến nay.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nông dân Nguyễn Đức Long không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp nhiều hộ phát triển mô hình nuôi ba ba tại địa phương. Được nhiều người tín nhiệm, ông Long hiện là Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ba ba gai với gần 30 hộ tham gia. Nếu chỉ tính riêng, gia đình ông Long đang có 1.500m2 diện tích mặt nước nuôi ba ba với khoảng hơn 200 con ba ba cái sinh sản.
Nói thêm về bí quyết làm giàu với báo Dân Việt, ông Long cho hay: "Trong quá trình nuôi ba ba cần đặc biệt lưu ý thời kỳ ba ba mới ấp nở thành con, vì thời điểm đó ba ba con hay bị nấm đốm trắng ở lưng, nếu không phát hiện kịp thời rất dễ chết, tuy nhiên nếu biết cách chữa thì lại rất đơn giản. Còn khi ba ba gai lớn hơn thì lại hay mắc bệnh bã đậu, nhưng chỉ cần tiêm kháng sinh một mũi là khỏi.", ông Long chia sẻ.
Nói thêm về kỹ thuật nuôi ba ba , ông Long nhấn mạnh, thông thường, thời gian từ lúc ba ba mới ấp nở thành con đến khi sinh sản kéo dài khoảng 4 năm. Tuy nhiên, để được thu hoạch con giống thì phải kéo dài 7 – 8 năm.
Thức ăn của ba ba chủ yếu là cá, ở giai đoạn ba ba gai còn nhỏ thì cần luộc chín và băm thức ăn để ba ba dễ ăn hơn và tránh bệnh tật. Trung bình, lượng thức ăn dung nạp mỗi ngày của một con ba ba bằng 1% trọng lượng cơ thể của nó.
Với ba ba con sẽ cho ăn ngày 1 lần, còn ba ba trưởng thành thì 2 - 3 ngày mới cho ăn một lần. Với nguồn thức ăn như vậy, trung bình mỗi năm chi phí thức ăn cho ba ba của gia đình ông Long hết khoảng 40 – 50 triệu đồng.
Khi ba ba gai bắt đầu bước vào thời kỳ sinh sản, cần làm hố cát trên cạn để ba ba bò lên đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, ba ba đẻ 3 lứa vào các tháng 4, 5, 6.
Sau khi ba ba đẻ xong sẽ tiến hành bới trứng lên và đem về ấp trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 30 độ C và độ ẩm đạt từ 30 – 40%. Sau khoảng 70 ngày, trứng ba ba sẽ nở thành con. Thông thường, tỷ lệ trứng nở thành con đạt khoảng 90%. Với 200 con ba ba cái, mỗi năm sẽ cho khoảng vài nghìn ba ba giống.
Mỗi khi bán giống cho bà con, ông Long sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm cho người nuôi, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Vào thời điểm ba ba được giá, trung bình mỗi năm gia đình ông Long thu về khoảng 300 – 400 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do giá ba ba xuống thấp nên mỗi năm gia đình ông chỉ đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ngoài nuôi ba ba mang lại nguồn thu ổn định, ông Long còn tận dụng lợi thế đất đai, vườn đồi rộng rãi nuôi thêm gà thịt chủ yếu là gà ta lai gà đen với sản lượng xuất bán mỗi năm khoảng 20 tấn. Mới đây, ông Long còn bắt tay vào thử nghiệm mô hình nuôi nhím với số lượng vài chục con. Đáng nói, vừa chăn nuôi vừa kết hợp trồng thanh long với số lượng lớn.
Với mô hình kinh tế tổng hợp như hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Long có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.
Không chỉ một số nông dân ở Yên Bái nuôi ba ba có thu nhập ổn định mà nhiều nông dân ở tỉnh khác cũng có thu nhập ấn tượng nhờ nuôi con vật này.
Trước đó, gia đình anh Lê Hồng Dũng ở Nam Định cũng nhờ nuôi ba ba gai mà từ hộ nghèo trở thành hộ giàu. Ba ba thịt được anh Dũng bán với giá 450.000- 500.000 đồng/kg... Trừ chi phí mỗi năm anh bỏ túi gần nửa tỷ đồng từ nghề nuôi ba ba gai.
Th.S. Nguyễn Hiền Trung chia sẻ trên cổng thông tin Cần Thơ về những kỹ thuật nuôi ba ba sinh sản:
- Ba ba mới nở được cho vào thau, xô nhựa bên trong có đặt lục bình hoặc giá thể cho ba ba bám vào. Thức ăn cho ba ba : lòng đỏ trứng luộc chín, trùng chỉ,… Hằng ngày thay nước cho ba ba , sau 1 tuần cho ba ba ra bể ương.
- Bể ương ba ba được xây bằng xi măng hoặc lót bạt, đáy bể đổ một lớp cát khoảng 10 cm. Có bãi cát cho ba ba lên nghỉ ngơi và phơi nắng.
- Vệ sinh bể bằng: Thuốc tím, Formol, Chlorine,... Sau đó bơm nước sạch vào bể, mực nước trong bể từ 20 – 30 cm thì tiến hành thả giống.
- Trước khi thả phải tắm ba ba trong dung dịch nước muối 10%.
- Mật độ thả 30 – 50 con/m2.
- Cho ăn: Thức ăn cho ba ba giai đoạn này là trùng chỉ, trùng quế, cá tạp, tép xay nhuyễn,... Ngày cho ăn 1 – 2 lần, thức ăn được đặt trên máng ăn. Thường xuyên theo dõi lượng thức ăn để có điều chỉnh kịp thời tránh ô nhiễm nước nuôi.
- Trộn thêm vitamin + men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa cho ba ba .
- Sau 2,5 – 3 tháng ương nuôi, ba ba đạt trọng lượng từ 15 – 20 g/con cần chuyển sang nuôi thành giống lớn hay xuất bán.
Về thu hoạch
- Nên thu hoạch vào sáng sớm hay chiều mát.
- Tháo cạn ao và dùng lưới kéo bắt ba ba , động tác cần nhẹ nhàng tránh xây xát.
Tại Việt Nam, ba ba được xếp vào danh sách đặc sản, bổ dưỡng do có chứa nhiều đạm và acid amin. Mỗi 100g thịt ba ba có chứa tới 13,6g đạm; 4,3g mỡ; 4,1g đường; vitamin B1 0,06mg, B2 0,2mg, PP 3,3mg, E 1,75mg, P 14mg, canxi 133mg, sắt 2mg…
Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang chia sẻ với Vietnamnet, ba ba còn có tên gọi khác là cua đinh, cước ngư, có tính bình, vị ngọt. Khi hầm ba ba với chuối xanh hoặc các loại rau có tác dụng điều chỉnh nội tiết tố ở cả nam giới và phụ nữ. Nam giới ăn ba ba giúp bổ thận, tráng dương, nữ giới ăn ba ba giúp dưỡng âm, bổ huyết.