Năm 2021, anh Hoàng Quốc Thành trở về quê hương sau thời gian đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, đang loay hoay chưa biết khởi nghiệp bằng nghề gì. Tình cờ xem thông tin qua tivi, mạng Internet về hiệu quả mô hình nuôi chồn hương sinh sản cho lợi nhuận cao, anh Thành có ý định đầu tư nuôi loài động vật đặc sản này.
Năm 2023, anh Hoàng Quốc Thành đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Trong đó, 100 triệu đồng được anh xây dựng hệ thống chuồng trại khoảng 100 m2, 400 triệu đồng mua 40 con chồn hương bố mẹ (5 con đực và 35 con cái).
Chia sẻ với Dân Việt , anh Thành cho biết: "Chồn hương là động vật hoang dã quý hiếm, tôi đã xin phép Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh để thực hiện mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Khi thả giống được người bạn hướng dẫn, tôi đã dần làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi, bắt đầu cho chồn hương sinh sản".
Thức ăn chồn hương yếu là chuối chín kết hợp với cháo trắng và đầu gà công nghiệp. Đặc biệt, chồn hương rất thích ăn cá đồng pha lẫn với cá biển. Nhờ có nguồn thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng đã giúp chồn phát triển, sinh sản tốt.
Đặc tính của chồn hương là thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày, do vậy mỗi ngày anh Thành chỉ cho chồn hương ăn một lần vào 5 giờ chiều.
Chi phí thức ăn từ 2.000- 3.000 đồng/ngày. Sau khi phối giống thành công khoảng 2 tháng chồn bắt đầu sinh sản. Mỗi năm chồn hương đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4-5 con.
Theo anh Thành, để nuôi chồn thành công trước hết phải chọn giống nuôi thuần tại các trang trại gần địa bàn mình để chồn hương nhanh thích nghi.
Chồn hương là loại động vật có sức đề kháng tốt, nên rất ít khi mắc bệnh, chủ yếu là phòng bệnh cầu trùng, tụ huyết trùng. Khi thấy chồn hương có triệu chứng bệnh, lập tức tách chuồng và dùng thuốc thú y thông thường điều trị là khỏi.
Hiện tại, đối với chồn hương nuôi thương phẩm, trọng lượng đạt từ 3-5kg/con, anh Thành bán với giá 4 -5 triệu đồng/con; con chồn giống, sau khi sinh từ 2 - 2,5 tháng sẽ xuất bán với giá 12 triệu/cặp.
Để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả, anh Thành chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại hàng ngày và kỹ thuật làm chuồng.
Hệ thống chuồng được anh Thành xây dựng cao ráo, bao quanh bằng lưới sắt cách mặt đất 0,5 m rộng 0,8m và cao 0,6m, trong mỗi chuồng chia làm 2 tầng, tầng trên để chồn ngủ còn tầng dưới làm nơi cho chồn ăn và leo trèo.
"Hiện nay, duy trì đàn khoảng 100 con. Năm 2023, bắt đầu xuất bán những lứa chồn đầu tiên với 20 con chồn thương phẩm và 10 con giống, thu về khoảng 150 triệu đồng. Đầu năm 2024, đã bán 30 con chồn thương phẩm và 20 con chồn giống thu về gần 300 triệu đồng.
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi chồn hương , có ý tưởng sẽ kêu gọi một số người thân, bạn bè để tham gia nuôi chồn hương , hướng đến thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, tạo dựng thương hiệu cũng như liên kết, hỗ trợ trong tiêu thụ chồn giống và chồn thịt", anh Thành cho hay.
Không chỉ anh Hoàng Quốc Thành, anh Trần Thanh Tiệp cũng là một trong những nông dân thành công với mô hình nuôi chồn hương tại Hà Tĩnh.
Cơ sở nuôi chồn hương của anh Trần Thanh Tiệp ở Tổ dân phố 8, phường Đại Nài (Tp.Hà Tĩnh) là một trong những trang trại có quy mô lớn tại Tp.Hà Tĩnh. Để có được thành công như hôm nay, anh Tiệp đã tìm tòi, học hỏi các mô hình và đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua 70 con chồn giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 300m2.
Theo anh Tiệp, chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Sau gần 1 năm triển khai mô hình nuôi chồn hương , đến thời điểm này, trang trại của anh Tiệp đã nhân tổng đàn từ 70 con lên 170 con, đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam , giá trị kinh tế của chồn hương đem lại cho người nuôi rất cao nên khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh nói riêng, Tp.Hà Tĩnh nói chung đã mạnh dạn đầu tư vốn, học tập kỹ thuật để nuôi. Nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, không cần diện tích chuồng trại lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã có 5 mô hình nuôi chồn hương với tổng đàn khoảng 350 con.
Theo ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Tp.Hà Tĩnh: Chăn nuôi chồn hương là mô hình kinh tế mới trên địa bàn Thành phố. Qua kiểm tra, các cơ sở mua con giống ở các trại giống hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng. Dù mới nuôi chưa lâu nhưng bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả rõ nét, chồn phát triển nhanh, sinh sản đều, cho số lượng con giống lớn.
Qua đánh giá, mặc dù kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó nhưng để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, cần phải có một quy trình chuẩn. Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Thành phố đã phối hợp với các hộ chăn nuôi chồn hương trên địa bàn theo dõi tập tính, ăn uống, nghỉ ngơi, quá trình phối giống, sinh sản của chồn hương để chuẩn hóa thành cuốn cẩm nang, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy khi nuôi chồn hương , cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.