Nhắc đến nghề nuôi hươu, nhiều người thường mặc định đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao song lại khó chăm sóc.
Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay của bà con nông dân vùng biên giới huyện Bù Đốp đã chứng minh điều ngược lại.
Hươu sao là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, dễ nuôi và ít rủi ro nhất. Đặc biệt là gần đây, sau khi dịch bệnh liên tục xảy ra trên gia súc, gia cầm thì hươu vẫn chứng tỏ là vật nuôi an toàn, ít rủi ro và hiệu quả cao nên bà con đã đầu tư nuôi trở lại.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quế (ngụ thôn 2, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) đã áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khác nhau, nhưng cho lại lợi nhuận kinh tế thấp. Qua tìm hiểu và tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh biết đến loại vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc.
Năm 2016 anh Quế đã mạnh dạn đầu tư nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung. Tận dụng đất rộng, anh xây dựng chuồng nuôi trên diện tích 150m2. Chuồng nuôi chủ yếu làm bằng gỗ, nền xi măng, có độ dốc để thoát nước.
Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm 6 con để hiểu tập tính sinh trưởng của loài hươu. Sau nhiều năm, đàn hươu phát triển lên hơn 30 con, trong đó có 10 con đực đang cho khai thác nhung.
Theo anh Quế, nuôi hươu chuồng trại phải có mái che, thông thoáng. Hươu đực được nuôi riêng từng chuồng để tránh vào mùa sinh sản sẽ tấn công nhau, gây thương tích.
Để giữ vệ sinh trại hươu, anh Quế dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa để làm đệm lót cho các ô chuồng được sạch sẽ, cách 5 - 6 tháng thay mới 1 lần.
"Để nuôi hươu đạt hiệu quả, nguồn thức ăn phải đầy đủ và đảm bảo độ tươi xanh, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào các buổi sáng và chiều. Đặc biệt, giai đoạn hươu lấy nhung thì bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để Nhung đạt trọng lượng cao, bán được giá", anh Quế chia sẻ với Người Đưa Tin .
Anh Quế cho biết, hươu là động vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, nguồn thức ăn có thể tận dụng các phế phẩm từ cây cỏ, rau, củ trong vườn.
Trong thời gian nuôi 18 tháng, hươu cái trưởng thành được phối giống sinh sản, còn hươu đực bắt đầu ra chồi nhung. Một con hươu cái trưởng thành có trọng lượng khoảng 45-50kg, hươu đực nặng từ 65-90kg.
Hươu đực nuôi 24 tháng có thể lấy nhung với trọng lượng mỗi con từ 250-300g nhung. Càng nuôi lâu thì chồi nhung càng nhiều, lợi nhuận càng cao.
Thông thường thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm. Khi đó, nhung hươu sẽ đạt trọng lượng khoảng 800g, nếu chăm sóc tốt sẽ cho nhung nhiều hơn. Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chế biến các sản phẩm đông y, thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. 1kg nhung có giá bán từ 23-25 triệu đồng.
Nuôi hươu không dùng các loại thức ăn công nghiệp nên tốn ít chi phí đầu tư. Một con hươu ăn rất ít, chỉ bằng 1/3 thức ăn của bò. Bình quân mỗi ngày, 1 con ăn từ 5-6kg cỏ. Mỗi lần cho hươu ăn cỏ, lá keo, anh Quế thường dùng máy cắt nhỏ cho vào máng.
Trong khu vườn, anh Quế dành khoảng 3 sào đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu.
Ngoài ra, hươu còn ăn các loại thức ăn tinh bột như bắp, đậu đen, đậu trắng, đậu đỏ, đậu phộng; các loại rau như rau muống, rau lang và một số loại rau dại khác. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn dồi dào là các phế phẩm rau, củ, quả trong vườn nên anh Quế tốn rất ít chi phí mua thức ăn.
Giai đoạn hươu mang thai và lấy nhung cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, thức ăn tinh bột, nhất là các loại hạt. Hằng ngày, bổ sung thêm muối ăn vào nước uống hoặc có thể treo cục đá muối liếm vào góc chuồng để bổ sung khoáng chất cho hươu phát triển khỏe mạnh.
Anh Quế cho biết: "Hươu là động vật dễ chăm sóc và có sức đề kháng cao. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý nếu cho ăn thức ăn lạ, ôi thiu thì hươu rất dễ bị bệnh tiêu chảy. Những lúc hươu bị chướng bụng, đầy hơi tôi thường cho ăn lá ổi, chuối xanh thì bệnh giảm dần, sau vài ngày là khỏi".
Anh Quế chia sẻ: "Nhung hươu giá cao nhưng không có để bán. Một cặp nhung hươu khoảng 18 triệu đồng, cặp to bán giá cao hơn. Nhung chủ yếu phát triển vào mùa xuân và được lấy từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Trong thời kỳ này cần tăng cường thức ăn đầy đủ dưỡng chất cho hươu".
Không chỉ nuôi hươu lấy nhung, anh Quế còn nuôi hươu sinh sản, cung cấp hươu giống cho người dân quanh vùng. Hươu cái mang thai 7,5 tháng, mỗi lứa đẻ 1 con. Hiện nay, hươu giống có giá bán rất cao, 1 con 6 tháng tuổi từ 15-17 triệu đồng. Thịt hươu bán với giá 450 ngàn đồng/kg.
Với mô hình nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung, mỗi năm trừ chi phí, anh Quế lãi khoảng 300 triệu đồng.
Anh Quế cho biết, mô hình nuôi hươu lấy nhung tốn ít chi phí, chủ động được nguồn thức ăn, lấy công làm lời và tận dụng thời gian rảnh để làm những việc khác. Sau 8 năm khởi nghiệp với mô hình này, kinh tế gia đình anh Quế ngày càng phát triển. Trong tương lai, anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.
Anh Quế chia sẻ thêm: "Nuôi hươu lấy nhung tốn ít chi phí, chỉ cần mua con giống ban đầu và lấy công làm lời. Việc chăm sóc hươu cũng đơn giản hơn so với những vật nuôi khác. Đối với nông hộ có nhu cầu nuôi, Hội Nông dân sẽ phối hợp với những hộ nuôi trước giới thiệu cung cấp con giống, cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn, giúp nông dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình".
Ông Nguyễn Sĩ Quốc, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết, mô hình nuôi hươu thích hợp với những hộ dân ít đất. Mỗi hộ có từ 2-3 sào đất là có thể trồng cỏ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Ngoài hộ anh Quế đang nuôi hiệu quả, còn một hộ dân khác cũng nuôi khoảng 20 con. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập, mà còn góp phần gìn giữ động vật hoang dã, giúp cân bằng môi trường sinh thái tự nhiên. Đồng thời, phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái xanh sạch, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, Trưởng văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước cho biết, người dân được phép nuôi hươu sao , nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cụ thể, Điều 67 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về quản lý nuôi hươu sao như sau: Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc của hươu sao được nuôi.
Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao , bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 26 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn quy định về quản lý nuôi hươu sao như sau: Căn cứ quy mô chăn nuôi, cơ sở nuôi hươu sao phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 55 hoặc Điều 56 của Luật Chăn nuôi 2018, trại chăn nuôi phải bảo đảm hươu sao được sống gần gũi với điều kiện tự nhiên; con giống hươu sao phải có nguồn gốc từ cơ sở nuôi hươu sao hợp pháp; cơ sở sản xuất giống phải có hồ sơ theo dõi cá thể và hệ phả hươu sao .
Tổ chức, cá nhân khai thác, bảo quản nhung hươu phải thực hiện các yêu cầu sau; sử dụng biện pháp để giảm đau cho hươu khi thực hiện thủ thuật cắt nhung; bảo quản nhung hươu sau khi cắt trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; ghi chép, lưu trữ thông tin về khai thác, bảo quản nhung hươu bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Theo một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, giai đoạn hươu sinh trưởng, mang thai cho ăn các loại cỏ, lá tươi; nhất là lá sung, lá đu đủ xanh để hươu được lợi sữa khi sinh. Bổ sung thêm khoáng, chất đạm, các vitamin, cám viên để hươu mẹ và con phát triển khỏe mạnh.
Chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng, kín đáo, tiêu độc chuồng và khu vực xung quanh thường xuyên. Chuẩn bị rơm hay vật dụng mềm để làm ổ cho hươu sinh sản. Thường xuyên theo dõi hươu mẹ để sinh con tự nhiên.
Thời gian khai thác loài động vật này là khoảng 15-20 năm. Vì vậy, số lượng con hươu lấy lộc nhung, sinh sản sẽ nhiều hơn, mang thu nhập cho người nuôi cao hơn.