Dù được đồng nghiệp cảnh báo trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi “choáng” bởi tuyến đường lên thôn Séo Mý Tỷ của xã Tả Van (Sa Pa) lại khó khăn đến vậy.
Đó là tuyến đường với những đoạn dốc cao nối tiếp, quanh co, khúc khuỷu, đầy “ổ voi, ổ gà”, đá hộc ngổn ngang trên mặt đường. Mưa phùn những ngày đông lây phây khiến nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ, chiếc Honda Wave “chiến mã” gài số 1 ì ạch mất hơn 2 tiếng cùng chúng tôi vượt quãng đường hơn 20 km từ trung tâm Sa Pa.
Khu vực nuôi cá tầm trên hồ nhân tạo thôn Séo Mý Tỷ.
Hồ Séo Mý Tỷ hiện ra trước mắt chúng tôi hư ảo khi lớp sương mù chưa tan hết, nhìn phía bờ bên kia và cuối hồ chỉ thấy lờ mờ những bờ đất, hàng cây đứng lặng phắc. Hồ Séo Mý Tỷ nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, trong một thung lũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, là hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam tính đến nay.
Gần trưa, sương giá tan dần, mặt hồ hiện rõ vài chiếc bè chở du khách tham quan, khám phá và những khu nuôi cá lồng.
Giám đốc Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa, anh Nguyễn Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ đợi sẵn trên đầu cầu dẫn ra lồng bè nuôi cá nước lạnh. Anh bảo lâu rồi nhà bè mới có khách ghé thăm, “với nhà báo thì đây là lần đầu tiên”. Bên ấm trà nóng, anh Quyết bắt đầu câu chuyện với con cá có nguồn gốc từ trời Âu.
Anh Quyết vốn là kỹ sư điện, không hề liên quan đến thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp. Anh là người Thái Bình và việc gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh với anh là điều hết sức ngẫu nhiên.
Những năm tháng làm việc tại một nhà máy thủy điện ở Sa Pa, anh rất quan tâm đến hoạt động nuôi cá nước lạnh ở vùng đất này và nhận thấy thôn Séo Mý Tỷ có khí hậu, môi trường lý tưởng để nuôi cá hồi, cá tầm nên anh bắt đầu nung nấu cho những ý tưởng.
Hồ thủy điện Séo Mý Tỷ có thể là một tiềm năng bởi xưa nay chưa ai nuôi cá trên mặt hồ lặng nước như thế. Các cơ sở nuôi cá tại Sa Pa và những nơi khác mà anh biết đều là các ao, bể xây bằng xi măng, nước ở dạng động vì được lưu thông liên tục. |
Lào Cai không phát triển mạnh nuôi cá lồng, cá bè nên anh đã đến Sơn La và Yên Bái tìm hiểu phương pháp nuôi cá trên lòng hồ. Khi đã “hòm hòm” kỹ năng, kinh nghiệm, chuyển sang trạng thái chuẩn bị đầu tư thì vấn đề anh gặp là vốn.
Nguồn vốn để đầu tư nuôi cá nước lạnh rất lớn, nếu hình thành khu nuôi cá khoảng 0,5 héc-ta cần tới hàng chục tỷ đồng. Giải pháp tốt nhất là thành lập công ty cổ phần để huy động vốn. Thật may là ý tưởng của anh được nhiều người ủng hộ nên vấn đề tài chính đã được giải quyết.
Rồi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu về kỹ thuật, quy trình nuôi cá nước lạnh trong bè trên mặt hồ nước lặng cũng qua đi, những đàn cá hồi, cá tầm có lẽ cũng hiểu được những lo lắng, cực nhọc của nhà đầu tư mà sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Trên lòng hồ, anh Quyết hồ hởi kể về trại cá. Anh cho biết trại nuôi cá nước lạnh của mình nằm trong số ít cơ sở nuôi cá tại địa phương tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP. Anh “bật mí”: Việc nuôi cá nước lạnh trên lòng hồ “vất vả hơn cả nuôi con mọn”. Thực tế là cá tầm, cá hồi “đỏng đảnh” như “công chúa”!
Bắt tay vào nuôi cá từ năm 2017, đến nay cá tầm Siberia (Liên bang Nga) của Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa đã có trọng lượng trung bình từ 4,5 đến 5 kg/con, chất lượng cá được đánh giá là nổi trội, thịt thơm ngon, chắc hơn cá cùng loại nuôi tại các bể nuôi thông thường.
Tuy nhiên, anh Quyết hạn chế bán cá tầm ra thị trường vì muốn nuôi thêm 5 đến 6 năm nữa để thu hoạch trứng. “Trứng cá tầm Nga đang có giá trị kinh tế cao, giá bán khoảng 20 triệu đồng/kg”, anh Quyết thủ thỉ.
Cá hồi vân có nguồn gốc Na Uy của công ty hiện cũng được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt. Giá bán loại cá này của công ty trung bình ở mức 160 nghìn đồng/kg, luôn nhỉnh hơn cá hồi nuôi thông thường tại các bể nuôi. Lý giải điều này, anh Quyết cho biết, môi trường mặt nước lòng hồ có nhiều vi sinh vật là thức ăn tự nhiên của cá hồi vân, đó cũng là lý do tại sao thịt cá chắc, màu thịt vàng hơn.
Anh Giàng Thành Công, trú tại thôn Séo Mý Tỷ cho biết, bản thân làm công cho Công ty Cổ phần Cá hồi - cá tầm Sa Pa hơn 2 năm, chừng ấy thời gian đủ để anh hiểu cách chăm sóc cá sao cho tốt và làm thế nào để đàn cá thích ứng với nền nhiệt độ tăng, giảm vào những ngày hè hoặc những ngày đông khắc nghiệt…
Cuối ngày, mưa dần nặng hạt, chúng tôi chia tay Giám đốc Quyết và những người nuôi cá lồng trên mặt hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam trong bùi ngùi, xúc động.
Tôi chợt nhớ đến một câu nói đại ý như “không có người đi đầu tiên thì làm gì có những con đường mới”, anh Quyết và những cộng sự của mình đã hình thành nên một hướng đi mới sau khi nuôi thành công giống cá ưa nước động nơi mặt hồ tĩnh. Các anh còn chứng minh rằng mặt hồ chứa nguồn nước phục vụ sản xuất điện năng còn có thể phát triển thủy sản mà ở đây là các giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao. |