Trong một lần sang nhà người cùng xóm chơi, thấy anh này nuôi le le (một loài chim hoang dã, nhưng chúng chỉ quanh quẩn xung quanh nhà) nên anh Bình rất thích và mua 2 cặp le le về nhà nuôi làm cảnh (với giá gần 1 triệu đồng).
Sau hơn một năm thả nuôi, 2 cặp le le đẻ gần 30 trứng. Anh Bình đem đưa trứng vào ổ cho gà ấp và nở hơn 20 con. Từ lứa này, anh Bình tiếp tục gây nuôi và nhân rộng đàn le le.
Mô hình nuôi chim le le của anh Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: C.L.
Theo kinh nghiệm nuôi le le của anh Bình thì le le dễ nuôi, đẻ liên tục, ít tốn công chăm sóc, chi phí lại rất thấp. Đặc biệt, giống le le hoang dã rất khỏe mạnh, không bệnh, nên anh không dùng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
Năm 2010, một số nhà hàng, quán ăn tại TP. Hồ Chí Minh biết được sản phẩm chim le le của anh Bình, và từ đây các đơn đặt hàng mua ngày càng nhiều.
Nắm bắt thời cơ, anh Bình chuyển gần 1ha trồng lúa và vườn tạp xung quanh nhà thành khu nuôi chim le le thương phẩm. Đến nay, anh Bình đã có hơn 1.000 con chim le le giống và chim le le thương phẩm.
Theo anh Bình, loài le le nuôi khoảng 4 tháng là đạt trọng lượng 0,4 - 0,5kg con, giá bán từ 450.000 - 550.000 đồng/con; còn le le bố mẹ khoảng 1,2 triệu đồng/cặp. Một con le le đẻ từ 5 - 7 đợt/năm, mỗi đợt từ 7 - 12 trứng. Từ mô hình nuôi le le thương phẩm, bán con giống, mỗi năm anh Bình thu lãi gần 300 triệu đồng.
Theo ngành chức năng huyện Phước Long, le le là một trong những vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, đồng ruộng ở địa phương. Từ ưu thế và hiệu quả kinh tế trên, địa phương khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi le le thương phẩm. Toàn huyện hiện có khoảng 30 hộ nuôi le le với tổng đàn hơn 3.000 con, tất cả đang phát triển tốt.