Chị Nguyễn Thị Ry nuôi tằm trên khay trượt
Hiệu quả vượt trội
Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội, năm 1985 vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu trồng mía, bắp, cà phê, đến năm 1994 chuyển qua nuôi tằm theo cách truyền thống: đóng cũi, nong, né bằng tre. Mỗi lần cho tằm ăn là phải bê nong lên xuống, vệ sinh hàng ngày (phân tằm), chưa kể những ngày cho tằm ăn rỗi, cả nhà tập trung nhân lực chạy đôn chạy đáo đi hái dâu, cho tằm ăn, vất vả nhiều nhưng năng suất kén chỉ đạt 30 - 35kg kén/hộp tằm”.
Năm 2013, anh Nghĩa mạnh dạn chuyển qua nuôi tằm bằng khay sắt (khay trượt) cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,35 - 1,45m, có 4 bánh xe di chuyển. Trong khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vô, có hàn lưới B40, ngang 1,5m, dài 3m. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, anh bắt tằm lên né gỗ, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén rồi bán cho các nhà máy.
Nuôi tằm bằng khay trượt hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân).
Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt. Hiện gia đình anh Nghĩa trồng 5 sào dâu, mỗi lứa nuôi được 7 hộp tằm giống (nuôi gối đầu) năng suất bình quân đạt từ 45 - 55kg kén/hộp tằm. Với giá bán 195.000 đồng/kg kén như hiện nay, anh Nghĩa thu về 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Tằm làm tổ kén trên khay gỗ theo công nghệ Nhật
Chị Nguyễn Thị Ry ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh cũng cho biết: “Trước đây tôi cũng nuôi tằm theo cách truyền thống, nuôi được một lứa mất cả tháng trời. Bởi vì phải nuôi từ giai đoạn trứng, bây giờ có dịch vụ chuyên nuôi tằm con, mình mua về cho ăn 4 ngày, tằm ngủ 2 ngày, dậy ăn rỗi 7 ngày, tằm chín cho lên né gỗ 3 ngày là thu hoạch kén bán được. Như vậy thời gian nuôi một lứa rút ngắn còn 15 ngày. Từ khi chuyển qua nuôi tằm công nghệ mới nhàn lắm, gia đình nuôi 3 hộp tằm năng suất đạt từ 50 - 60kg kén/hộp. Nếu giá bán 195.000 đồng/kg kén, trừ chi phí cũng thu được trên 20 triệu đồng/tháng”.
Liên kết với doanh nghiệpÔng Nguyễn Thế Nhiệm, PGĐ Cty CP Eco green life chia sẻ: “Cty đã thuê đất xây dựng nhà máy ươm tơ trên địa bàn xã Đông Thanh, với diện tích 7.800m2 nhà xưởng, bước đầu đặt 3 máy ươm tơ dài 24m, 3 máy guồng dài 14m, công suất trung bình từ 500 – 600kg kén/máy/ngày. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2017, thu hút 120 công nhân với mức lương gần 6 triệu đồng/người/tháng. Cty ký kết thu mua toàn bộ số kén của nông dân, các tổ hợp tác nuôi tằm trong địa bàn huyện”.
Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh hồ hởi cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Năm 2015, Hội Nông dân xã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tằm theo công nghệ mới, là tổ làng nghề và tổ phụ nữ, mỗi tổ có 100 hội viên, với tổng diện tích dâu của cả xã trên 300ha. Mới đây do nhu cầu nuôi tằm phát triển mạnh, Hội thành lập thêm 1 tổ chuyên nuôi tằm giống do đoàn thanh niên đảm trách để cung cấp giống trong toàn xã...
"Nông dân thay đổi cách sản xuất kén theo công nghệ mới đã giảm nhiều công lao động, chất lượng kén tăng rõ rệt, không có kén đôi. Đặc biệt độ dài của tơ đơn cũng dài hơn. Nếu như loại kén trên né tre dài khoảng 600 – 700m/kén, thì kén trên né gỗ dài 800 - 1.000m/kén. Giá kén thời điểm này bán ra khoảng 195.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây", ông Thọ chia sẻ.