Vượt qua mấy mỏ đá bụi mù, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN mới tìm được trang trại của ông Trường. Trái với cảnh ồn ào phía ngoài đường cái, trang trại của ông Trường yên tĩnh đến lạ. Cả một vùng núi non hữu tình hiện lên giữa bốn bề mây núi. Nơi này gần như biệt lập với bên ngoài, ít có người qua lại.
Ông Trường mở cổng đón chúng tôi như người thân trong gia đình đi xa mới về. Ông vui lắm, vì lâu rồi mới có khách vào nơi thâm sơn cùng cốc này chơi.
Hiện ông Trường có 50 con lợn rừng thương phẩm và 10 con lợn nái.
Giữa mùa xuân, hoa bưởi, hoa chanh trong trang trại thoang thoảng đưa hương. Mang tiếng là trang trại nuôi lợn rừng mà tôi nhìn mãi chỉ thấy cây với đá mà không thấy con lợn nào. Thấy chúng tôi thắc mắc vậy, ông Trường nở nụ cười đầy bí hiếm tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Đám lợn này thoắt ẩn thoắt hiện như du kích. Không phải lúc nào cũng gặp được chúng”.
Dọc đường vào thung đá là những dãy trồng bưởi Diễn tươi tốt. Cây nào cũng to, khỏe và cho ra rất nhiều hoa. Phía dưới gốc bưởi Diễn đầy vết cày xới tựa như có người bới đất. Ông Trường giải thích, đám lợn rừng là những chiếc máy phát cỏ thiện nghệ. Chúng ăn sạch cỏ trong vườn và còn giúp đảo đất ở mỗi gốc bưởi. Cả năm chẳng bao giờ tôi phải phát cỏ.
Trời chiều ngả bóng về tây, đi đến cuối thung lũng, ông Trường mới đưa tay lên miệng hú dài vài tiếng: “In, in, inn….”, âm thanh vừa dứt, bỗng từ cửa rừng nghe tiếng đạp loạt soạt trên lá khô. Cây bụi rung rinh. Mặt đất chuyển động, tựa như có một đoàn quân đang tiến về phía chúng tôi. Chỉ sau vài phút cả trăm con lợn rừng ló mặt ra bãi đá.
Mỗi năm ông Trường thu lãi cả trăm triệu đồng từ đàn lợn rừng thả rông trên núi.
Nhìn thấy ông Trường cầm chiếc xô, chúng mới mạnh dạn tiến về phía máng ăn. Từng con lợn trắc nịch, lông lá bờm xờm xích lại gần phía chúng tôi. Ông Trường đổ thùng ngô nghiền vào chiếc máng cau su. Chỉ chờ có thế, đám lợn rừng tranh nhau vào ăn. Chỉ thoáng chốc, cả một thùng ngô đã “bay” sạch. Đám lợn thòm thèm liếm cái máng đã sạch trơn và đưa mắt nhìn ông chủ, với hy vọng chúng sẽ tiếp tục được đánh chén.
Đám lợn rừng lúc đầu còn đề phòng vì có người khách lạ, nhưng khi gặp ông Trường chúng mạnh dạn hơn. Chúng liên tục phát ra tiếng kêu đòi ăn. Ông Trường đi đến đâu là chúng theo đến đó. Ông Trường nhìn chúng với ánh mắt chan hòa, rồi nói: “Mỗi ngày 2 bữa là đủ rồi. Sáng mai chúng mày sẽ tiếp tục được ăn”.
Mỗi năm, một con lợn rừng cho ông Trường số tiền lãi từ 2-3 triệu đồng.
Hiện trong trang trại của ông Trường có 10 con lợn rừng nái và mấy chục con lợn con đã đạt trọng lượng 20kg. Theo ông Trường, nuôi đám lợn rừng này siêu nhàn. Ngày ông cho chúng ăn 2 bữa sáng và tối. Ăn xong, chúng tự lên rừng kiếm ăn. Đám lợn nái cũng vậy, đến ngày sinh sản, chúng lên rừng làm ổ. Khi con của chúng cứng cáp, chúng tự dẫn con về nhà.
Suốt chục năm nuôi lợn rừng, ông Trường chưa từng chứng kiến con nào bị mắc bệnh và chết vì dịch cả. Con nào cũng khỏe khoắn, ăn khỏe, chạy khỏe, vào rừng rú chơi cũng khỏe. Chúng hay ăn và chóng lớn. Một năm mỗi con có thể đạt trọng lượng trên dưới 40kg. Do được thả rông, nên thịt lợn rừng rất thơm ngon và bán được giá cao. Năm 2019, ông bán được cả mấy chục con lợn rừng, thu lãi trên trăm triệu đồng.
Sau khi ăn xong, đám lợn rừng lại lên núi lùng sục, chơi bời....
Từ khi nuôi lợn rừng đến giờ, chưa năm nào ông Trường có đủ lợn bán. Với giá bán lợn rừng thịt hiện tại là 130.000đ/kg, một con lợn rừng cho lãi vài triệu đồng 1 năm. Theo ông Trường, thức ăn cho lợn rừng là phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô nghiền, cây chuối, rau rừng… Mỗi ngày 1 con lợn rừng ăn hết khoảng 4 lạng ngô, tương đương 3.000 đồng. Ngoài ra, ông Trường không phải mất thêm chi phí gì.
Trong năm tới, ông Trường đang có dự định sẽ gia tăng số lượng lợn rừng nuôi trong thung lũng. Bởi lẽ, thung lũng đá ở nơi thâm sơn cùng cốc này rộng cả mấy trăm ha, ông Trường có thể thả cả 1.000 con lợn rừng vẫn đủ chỗ cho chúng trú ẩn và kiếm ăn.