Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp 2017 với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh ở địa phương này.
Ông Trung thông tin, từ khi Chính phủ yêu cầu tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, nhiều doanh nghiệp, nông dân cùng đầu tư vào nuôi tôm, trong đó có mô hình nuôi tôm cho ăn tự động.
Hệ thống cho ăn tự động giúp giảm chỉ số tiêu thụ thức ăn và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh Thuận Hải
Trước đây, người nuôi tôm cho ăn theo bữa, theo ngày, tuy nhiên, con tôm trong quá trình sinh trưởng, phát triển, có một số thời điểm tiêu thụ rất ít, thậm chí không tiêu thụ thức ăn, ví dụ trong những ngày tôm lột xác.
Do đó, mô hình nuôi tôm thâm canh cho ăn tự động sử dụng cơ chế cho ăn theo nhu cầu thực tế của tôm. Khi nào tôm ăn nhiều, hệ thống cảm biến sẽ báo về máy chủ, hệ thống cung cấp thức ăn sẽ tự động tăng cường đưa thức ăn đến cho tôm, theo đúng nhu cầu của vật nuôi.
Theo đánh giá của tỉnh Bạc Liêu, mô hình này vừa giúp giảm chỉ số tiêu thụ thức ăn, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời, giảm lượng thức ăn dư thừa thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng là một trong những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất được kỳ vọng sẽ giúp Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ trở thành vùng nuôi tôm cấp quốc gia của Thủ tướng Chính Phủ.
Hiện tại, theo khảo sát, thí nghiệm ở tỉnh Bạc Liêu, mỗi mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chỉ cần vốn đầu tư từ 500 - 600 triệu đồng. Sau một năm, nông dân, doanh nghiệp đã có thể thu hồi vốn.
Do đó, Bạc Liêu cũng lo ngại rằng, việc nuôi tôm cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ cao... như trên sẽ lan tỏa nhanh chóng, trở thành phong trào trong nông dân, doanh nghiệp. Khi đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ trở nên khó khăn hơn.
Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp 2017 với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nguyên Vỹ.
“Nhiều năm trước, nuôi tôm rất dễ có lời, tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh, mầm bệnh đã ngấm sâu vào lòng đất, nguồn nước… dễ dàng phát triển và lây lan, gây hại cho vật nuôi. Do đó, Bạc Liêu kiến nghị cần có cơ chế mạnh hơn để kiểm soát môi trường, phát triển bền vững trong tương lai”, ông Trung nhận định.
Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu đang phối hợp với tập đoàn Việt Úc xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh để xuất khẩu vào Australia. Đây là thị trường rất khó tính, một khi con tôm Việt Nam được xuất khẩu vào Australia, việc thâm nhập các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn. Hiện, các chuyên gia của Astralia cũng đã sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát vùng nuôi tôm an toàn này và sẽ xuất khẩu tôm sang thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, việc nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao ở địa phương này hiện vẫn đối mặt nhiều khó khăn, khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa thuận lợi, một số vùng nuôi tôm ven biển bị bồi lắng rất nhanh, việc cung cấp điện năng cho nuôi tôm cũng còn hạn chế, thiếu điện, cúp điện thường xuyên xảy ra… Mới đây, Bạc Liêu đã làm việc với Bộ NNPTNT và sẽ phối hợp với Bộ để quy hoạch lại vùng nuôi tôm thâm canh, chuyên canh… của tỉnh này.