Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết, ngành nuôi tôm hùm tại tỉnh còn rất nhiều tiềm năng với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm.
“Tỉnh Phú Yên phối hợp các địa phương và các tổ tự quản về sản xuất trên các đầm vịnh để củng cố lại việc quy hoạch vùng nuôi trồng tôm hùm, lồng bè nuôi tôm hùm cho đúng; kiểm soát giống đầu vào.... Hiện đã có doanh nghiệp nuôi thử nghiệm tôm hùm trong bể, trên bờ... Chúng tôi đang làm mọi cách để đảm bảo rằng người dân Phú Yên nuôi tôm hùm sẽ đạt hiệu quả, an toàn hơn” – ông Trần Hữu Thế cho biết.
Tôm hùm bị chết trong đợt bão số 12 được ngư dân vớt (Báo Phú Yên)
Thị xã Sông Cầu và huyện Đông Hòa là những vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên. Những ngày qua, các hộ nuôi tôm hùm nơi đây tất bật khắc phục hậu quả bão số 12 vừa qua, vá lại những chiếc lồng tôm để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Bà Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) nhớ lại, lúc bão số 12 ập đến trời chưa sáng, dân làng nháo nhào tránh bão. "Nhìn những chiếc lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh liên hồi, quăng quật đến tơi tả mà đứt ruột. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư bỗng chốc trắng tay, người thì mất vài trăm triệu đồng, có người mất tiền tỷ".
Các xã, phường ven biển của thị xã Sông Cầu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm hùm. Mỗi vụ thu hoạch, tôm hùm cho người dân thu nhập hàng tỷ đồng. Tuy vậy, 2 năm trở lại đây, hết ô nhiễm lại đến thiên tai bão lũ, vùng này thường xuyên xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt.
Đơn cử, cơn bão dữ số 12 vừa qua làm chết hơn 1,1 triệu con tôm hùm, lấy đi hàng trăm tỷ đồng của ngư dân ven biển. Sau bão nhiều người mắc nợ ngân hàng, nợ tiền con giống, thức ăn của các đại lý. Nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, việc tái sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù Nghị định 02/2017 của Chính phủ nêu rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng nhiều người dân lại không được hỗ trợ. Lý do là không có đăng ký kê khai ban đầu nên nhiều người không đủ điều kiện theo quy định.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên kiến nghị: “UBND tỉnh Phú Yên và Trung ương cần có chính sách hỗ trợ khi người dân kê khai và có hội đồng thẩm định. Việc khoanh và giãn nợ thì chính quyền đề xuất với ngân hàng để giúp dân. Sau đó, tiếp tục cho người dân vay tái sản xuất. Bởi vì nuôi tôm hùm mà không bị thiên tai bão lũ thì hiệu quả rất cao, ít có nợ xấu ở khách hàng vay nuôi tôm hùm.”
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính đã thống nhất áp dụng Quyết định 12 của Chính phủ từng áp dụng cho 4 tỉnh Bắc miền Trung bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển để xác định thiệt hại, hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất. Theo quyết định này, người nuôi thủy sản sẽ được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Tuy vậy, việc nuôi thủy sản trên biển, đặc biệt là tôm hùm lồng, tại nhiều khu vực của tỉnh Phú Yên vẫn mang tính tự phát. Mật độ nuôi quá dày, không đúng quy hoạch cùng tình trạng con giống trôi nổi, thức ăn tự nhiên từ cá tạp… đã khiến ô nhiễm môi trường, tôm liên tục bị bệnh, vùng nuôi bị uy hiếp bởi thiên tai./.