Sử dụng phương thức giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, lồng ghép với các chiêu trò khuyến mại, sau đó bán ra các sản phẩm kém chất lượng đang là cách thức được các nhóm đối tượng, tổ chức lừa đảo sử dụng để “móc túi” người dân vùng cao Điện Biên.
Đáng lưu ý là ngoài sự nhẹ dạ, cả tin, ham hàng rẻ, ham đồ khuyến mại của đồng bào vùng cao thì còn do sự quản lý lỏng lẻo, thờ ơ của các cơ quan chức năng, chuyên môn.
“Trước khi mua người bán hứa cho quà tặng bằng tiền như mua hàng giá 1 triệu đồng sẽ được trả lại 1 triệu đồng và hàng hóa coi như cho không nên nhiều người nghe theo và mua sắm. Tôi mua 1 máy xay sinh tố là 1,35 triệu đồng vì người bán nói cứ mua sẽ có quà tặng và 1 cái bếp gas 2,55 triệu đồng. Nhiều người còn đi vay để mua hàng, mua rất nhiều xong người bán lên xe đi hết, không tặng lại cái gì”.
“Con dao này có trị giá 200.000 đồng và cái chảo này cũng trị giá 200.000 đồng được người bán quảng cáo là hàng tốt, hàng Việt Nam chính hãng. Mua bán xong người bán lên xe đi người dân mới biết là bị lừa”.
Theo trưởng bản Cộng 2 - Tòng Văn Huyên, việc các đối tượng này có thể dễ dàng lừa được người dân, đó là vì đã lợi dụng thông qua người đứng đầu địa phương.
Trên đây là những lời chia sẻ đầy ấm ức của người dân bản Cộng 2, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên khi vừa mất tiền oan cho một nhóm đối tượng lạ. Người dân ở đây đã phải bỏ tiền ra, thậm chí phải vay mượn để mang về những sản phẩm kém chất lượng, nhưng lại có giá thành cao hơn nhiều lần so với giá của các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Người ít thì vài trăm nghìn đồng, người nhiều thì từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Theo người dân ở đây cho biết, ban đầu các đối tượng đến giới thiệu những mặt hàng có giá trị thấp như bóng điện, đèn pin, dao, chảo… và yêu cầu mỗi người đặt cọc 100.000 đồng cho một sản phẩm. Đến cuối buổi, khi người dân đã nhận sản phẩm ưng ý, các đối tượng lại hoàn trả toàn bộ số tiền đặt cọc trước đó với lý do “công ty đang triển khai chương trình khuyến mại nên chỉ tặng quà”. Kèm theo đó là những lời hứa hẹn ngày hôm sau sẽ còn nhiều sản phẩm khuyến mại giá trị hơn, hấp dẫn hơn.
Sau khi thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của người dân, các đối tượng này bắt đầu tung ra các sản phẩm có giá thành cao hơn và hứa hẹn sẽ làm với hình thức tương tự. Nhưng lần này, sau khi ôm trọn hàng chục triệu đồng của những hộ dân nhẹ dạ, các đối tượng ngay sau đó đã lên xe bỏ trốn. Nhận ra bị lừa, tiếc tiền, nhiều người đã cố gắng liên lạc qua số điện thoại của công ty được in trên giấy mời, tuy nhiên các số máy này đều thông báo không đúng hoặc không nhấc máy.
Ông Tòng Văn Huyên, Trưởng bản Cộng 2, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo bức xúc cho biết, việc các đối tượng này có thể dễ dàng lừa được người dân, đó là vì đã thông qua người đứng đầu địa phương để tạo lòng tin, rồi từ đó tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm với những lời mời chào hấp dẫn, như: “tri ân khách hàng”, “đến chỉ nhận quà chứ không mất tiền”, “hàng Việt Nam chất lượng cao khuyến mại mua 1, tặng 1”... Bản thân ông Huyên cũng bị lừa đến vài triệu đồng và vô tình tiếp tay cho các đối tượng, khi viết giấy mời và trực tiếp đến từng nhà huy động bà con tham gia hội nghị.
“Các đối tượng khi đến gặp gặp trưởng bản thường nói là đã thông qua Chủ tịch xã, nhờ trưởng bản thông báo cho nhân dân mua hàng hóa giúp và đưa thư mời. Bản Cộng 2 có 81 hộ thì đã có 75-76 hộ đã tham gia mua hàng. Hiện bà con nhân dân đang rất bức xúc, tìm cách liên lạc với công ty yêu cầu bồi thường nhưng điện thoại có chuông nhưng không có ai nghe máy”, ông Huyên cho biết.
Liên quan đến nội dung này, ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo cho biết, lý do chính quyền xã giới thiệu nhóm đối tượng này đến giới thiệu hàng Việt tại 3 bản Vánh 2, Cộng 2 và bản Bó là vì có giấy giới thiệu của Công ty KYOTO. Dưới góc tờ giấy giới thiệu còn có xác nhận của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuần Giáo nên hoàn toàn tin tưởng.
Tuy nhiên, chính quyền xã cũng hoàn toàn không nắm được sự việc các nhóm đối tượng này lợi dụng việc giới thiệu hàng để lừa đảo người dân. Chỉ đến khi phóng viên yêu cầu làm việc mới vỡ lẽ, điện thoại cho các trưởng bản nêu trên để xác nhận thì hoàn toàn đúng sự thật.
“Họ đưa ra giấy giới thiệu của công ty KYOTO cùng xác nhận của Phòng Kinh tế - Hạ tầng để đến các xã, thị trấn tuyên truyền quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao nên xã cũng tin tưởng nên có giới thiệu đến các trưởng bản để thông báo cho nhân dân mua hàng”, ông Sung cho biết.
Sự thật về tờ giấy giới thiệu có xác nhận của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuần Giáo như thế nào, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng ra sao sẽ tiếp tục đề cập đến trong bài 2 với nhan đề "Núp bóng giới thiệu hàng Việt lừa đảo, lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp khuyến mại trá hình"./.