Thoả thuận nhiều nhưng ký chẳng được bao nhiêu
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết hiện đa số các ngân hàng, kể cả các ngân hàng TMCP đều có 1 bộ phận hỗ trợ các DNNVV và có tiêu chí làm nhẹ thủ tục nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay được dễ dàng. Trong thỏa thuận ký kết, thời hạn hỗ trợ vốn vay từ ngắn hạn cũng đã được linh hoạt chuyển thành trung hạn… (tuy mức vay được hạn chế bớt) và ưu tiên cho sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận với nguồn vốn chưa cao, dù các DNNVV còn thiếu nhiều vốn.
Nút thắt của vấn đề này là do tâm lý của doanh nghiệp cho rằng vay vốn từ ngân hàng không dễ, và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ… Vì vậy, vướng mắc vẫn tồn tại ở “khúc giữa” - đó là do cơ chế thủ tục vẫn còn chặt, các ngân hàng vẫn tư duy về tính an toàn cao, tuy vậy cũng không thể vượt qua các quy định để cho vay được.
Ngoài ra, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực, nhưng vẫn chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp về các mặt liên quan được tốt nhất. Minh chứng rõ nhất là việc Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã ký kết với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các quỹ về gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn, dù việc triển khai các phương án cho vay vốn rất cởi mở (doanh nghiệp đủ điều kiện không cần tài sản thế chấp).
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Kiến Ninh ở TPHCM cho biết, muốn vay ngân hàng thì phải có cái gì để thế chấp, giá trị được vay rất thấp. Vì vậy, sản lượng chỉ nhỏ lẻ, ý tưởng của doanh nghiệp thì rất nhiều, nhưng chưa chắc đã vay được vốn để mở rộng sản xuất.
Còn theo ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (Công ty APP), chia sẻ APP là đơn vị có cổ phiếu niêm yết với báo cáo tài chính thường niên bài bản, nhưng khi làm việc, đôi khi vẫn gặp những rào cản nhất định, huống chi những doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Điều này do ngân hàng hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng như nhiều loại hình kinh doanh khác còn hạn chế.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa, rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Do tình hình sức khỏe không tốt, việc sản xuất kinh doanh bấp bênh nên cánh cửa ngân hàng không rộng mở đối với các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, lãi suất Ngân hàng hiện nay còn cao, khiến các doanh nghiệp không dám mạnh tay vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không dám mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên sử dụng nguồn vốn tự có để đảm bảo an toàn.
Tháo nút thắt bằng cách nào
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng như: Đẩy mạnh kết nối giữa Ngân hàng và doanh nghiệp, từ tháng 7.2017, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm. Các tổ chức tín dụng cũng chủ động tiếp cận doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp này, xem xét miễn giảm lãi suất cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương cũng thường xuyên cập nhật thông tin, hỗ trợ kịp thời khi cho các doanh nghiệp khi cần thiết.
Tuy nhiên, một bài toán khó hiện nay là do DNNVV không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp (do thông tin chưa minh bạch, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng. Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng) hoặc không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý của DNNVV còn nhiều bất cập, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vừa thiếu kinh nghiệm, kiến thức, trình độ, vừa thiếu bản lĩnh kinh doanh trong cơ chế thị trường, trong khi lại chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp. Cùng đó, để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng yêu cầu các DNNVV vay vốn phải có đầy đủ tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Đây chính là nút thắt giữa doanh nghiệp với các ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phải xác định rõ điểm nghẽn hiện nay là gì? Phải chăng là thiếu thông tin, hay là thiếu vốn hay là khâu quản trị, năng lực điều hành, hay là chính sách thuế, hay là vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo. Từ đó, chúng ta sẽ tăng cường tính phối hợp giữa các bên có liên quan để tăng tính tiếp cận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong kinh tế thị trường, ngân hàng là nhà kinh doanh tiền tệ, họ phải lo bảo toàn vốn đã cho vay, nên tất yếu họ phải biết chắc người vay có gì bảo đảm cho số vốn này. Những doanh nghiệp lớn thì có tài sản để bảo đảm, còn đa số doanh nghiệp nhỏ, hoặc mới khởi nghiệp, hoặc doanh nghiệp làm dịch vụ thì làm gì có tài sản bảo đảm. Cho nên, nút thắt của vấn đề nằm ở chỗ, thông qua căn cứ nào đó để ngân hàng tin rằng số vốn cho người này vay sẽ được bảo toàn. Đơn cử như báo cáo tài chính của bên vay tiền đủ chứng minh sự an toàn của dòng tiền cho vay, nếu qua đó có thể thấy bên vay tiền đang làm ăn có hiệu quả, tiền vay về sẽ làm ra thêm lợi nhuận thì việc cho vay sẽ được tiến hành.
Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau bằng số liệu báo cáo tài chính đó, để cùng thấy và đồng thuận về sự minh bạch và thống nhất cao độ về hệ thống báo cáo tài chính đó. Để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các NHTM cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngân hàng cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.