Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các địa bàn có trồng cao su với diện tích lớn như huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy... thời gian qua đều có xảy ra tình trạng chặt cao su để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.
Đặc biệt, tại xã miền núi Hồng Hạ (huyện A Lưới) những tháng gần đây đã có hàng loạt diện tích cây cao su bị chặt bỏ ồ ạt, do giá thu mua mủ xuống thấp, người trồng thiếu nhân lực chăm sóc và cạo mủ, hiệu quả kinh tế của loại cây công nghiệp này giờ thấp hơn hẳn những loại cây khác như sắn, keo tràm.
Theo UBND xã Hồng Hạ, từ khoảng 5 năm lại đây, hơn 400 hộ dân trong xã đã tham gia trồng khoảng 224 ha cao su. Đây là một trong những địa phương có vùng chuyên canh cao su lớn nhất nhì tỉnh TT-Huế.
Tuy nhiên, sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, người dân lại lần lượt chặt bỏ hàng chục héc-ta cao su để lấy đất chuyển sang trồng sắn, keo tràm. Chỉ riêng thời gian ngắn gần đây, người dân Hồng Hạ tiếp tục “trảm” 5 ha cao su để làm củi, do không còn mặn mà với loại cây công nghiệp từng được ví là “vàng trắng” này.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho hay, trước tình hình trên, chính quyền địa phương vận động người dân cân nhắc kỹ, không nên chặt bỏ cây cao su khi đã tiêu tốn nhiều công sức, tiền của để trồng.
Cũng theo ông Lượng, hiện giá thu mua mủ cao su xuống thấp (chỉ khoảng 12.000 đồng/kg), cùng với đó là sự khan hiếm nhân công cạo mủ, trong khi áp lực trả nợ vay ngân hàng, khiến hàng chục hộ dân buộc đốn bỏ cây cao su trưởng thành để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn; nhằm mục đích giải quyết sinh kế trước mắt, kết hợp xoay xở trả nợ vay.
Mới đây, UBND huyện A Lưới đã về kiểm tra tình hình chặt hạ cây cao su hàng loạt tại xã Hồng Hạ, kết hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân và tiếp tục vận động bà con dừng chặt bỏ cây cao su. Theo ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, chính quyền huyện đã chỉ đạo UBND xã Hồng Hạ tiếp tục xác định cao su là cây chủ lực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương này. Đối với những vườn cao su cho mủ kém, người dân cần có đơn đề nghị chuyển đổi gửi cơ quan chức năng để tổ chức đánh giá thực trạng, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.