TP - Nhiều địa phương ở khu vực phía Nam có hàng loạt dự án ghi vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến nay tiến độ giải ngân chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Trăm dự án giải ngân 0 đồng
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TPHCM được khởi công vào quý I/2013 nhưng đến nay vẫn đang dang dở. Ảnh: Phạm Nguyễn
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TPHCM được khởi công vào quý I/2013 và dự kiến đưa vào sử dụng sau 2 năm thi công. Tuy nhiên gần 10 năm sau, trung tâm này vẫn chỉ là khối bê tông xám xịt, nằm chỏng chơ bên cạnh sông Sài Gòn. Thay vì trở thành địa điểm công bố các loại quy hoạch, nơi đây đang trở thành chốn thả diều, vui chơi của giới trẻ. Hồi cuối tháng 4, cầu Thủ Thiêm 2 thông xe, càng khiến Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM dang dở bên trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thêm “nổi bật”, đối lập với những tòa nhà, chung cư của doanh nghiệp tư nhân đang hiện rõ hình hài. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng do Ban Quản lý Xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch, thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM làm chủ đầu tư. Do không kịp về đích, UBND TPHCM đã dời ngày khánh thành qua 30/4/2016 nhưng đến nay vẫn bất động.
Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM dù đã đưa vào vận hành 3 năm nay nhưng chưa giải ngân vì vướng thủ tục Ảnh: Phạm Nguyễn
Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TPHCM không phải là dự án đầu tư công duy nhất ở TPHCM chậm tiến độ. Tại phiên họp giải trình của HĐND TPHCM về đầu tư công vào sáng 24/8, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho biết thêm, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ đạt 61,3% trong tổng kế hoạch đầu tư công của TPHCM. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến hết ngày 31/7 có đến 100 dự án giải ngân 0 đồng.
Công trình giải ngân 0 đồng ở TPHCM tập trung vào 2 nhóm chính là y tế và giao thông. Hiện nay, nhiều dự án bệnh viện ở TPHCM được bố trí vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng lại không tiêu được đồng nào. Điển hình là dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Kế hoạch vốn đã giao năm 2022 là hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/7 không giải ngân được đồng nào. Tương tự, dự án Xây dựng Trung tâm Điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi Đồng 2 lại gặp rắc rối từ chặt cây xanh, khiến chủ đầu tư phải làm rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Để được chặt cây xanh, Bệnh viện Nhi đồng 2 phải gửi văn bản đến Sở Xây dựng TPHCM xin chặt cây, rồi được sở này hướng dẫn thẩm quyền của UBND quận 1, nơi bệnh viện xây dựng. Do phải gửi văn bản đi lòng vòng, dự án mất nhiều thời gian thực hiện.
Ở nhóm công trình giao thông, cũng có hàng loạt dự án giải ngân 0 đồng. Điển hình là dự án cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), ghi vốn năm 2022 là 250 tỷ đồng và dự án cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc, TP Thủ Đức) ghi vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/7 không giải ngân được đồng nào. Ngay cả các dự án giải quyết “điểm đen” về ùn tắc giao thông, cần ưu tiên thực hiện sớm cũng rơi vào tình trạng giải ngân 0 đồng trong 7 tháng qua, như dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, xây dựng cầu Rạch Đĩa (nối quận 7 với huyện Nhà Bè), nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa (quận Bình Tân)…
Do thiếu mặt bằng
Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đánh giá, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do công tác lập kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao...
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, tiến độ giải ngân chậm vì hiện có một số quận, huyện khoán trắng cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Ban này lại không chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng hồ sơ thẩm định giá, rất lúng túng và chậm trễ. Một lý do khác là việc thuê đơn vị tư vấn gặp khó khăn. Các cơ quan lại không có chế tài để “ép” các đơn vị này hoạt động tư vấn một cách hiệu quả. Hiện nay, các đơn vị tư vấn làm việc theo kiểu thích thì làm, không thích thì thôi.
Một nguyên nhân khác được ông Bảy chỉ ra là quy định về nền tái định cư, căn hộ tái định cư còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi làm giá bồi thường và bố trí nền tái định cư cho người dân, vấn đề này đưa về Sở Xây dựng. Quận, huyện có trách nhiệm dự báo nhu cầu người dân tại địa bàn rồi đăng ký lên, sở bố trí về. Thủ tục này còn lằng nhằng, mất thời gian.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận, trong thời gian qua, việc quản lý đầu tư công trên địa bàn bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, một số chủ đầu tư lập dự án còn chậm so với thời gian quy định. Người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt không căn cứ trên kết quả giám sát, đánh giá. Về việc giải ngân chậm, ông Phan Văn Mãi chỉ rõ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc là một trong những nguyên nhân chính. TPHCM thực hiện khâu này còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các bên.
Trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ tổ chức các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng, lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, thành phố linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt.
Các chủ đầu tư nói gì?
Giải thích lý do dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TPHCM chậm trễ, ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó chánh Văn phòng Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM phân trần, quá trình xây dựng gặp khó khăn do việc lựa chọn vật liệu xây dựng giữa ban quản lý và nhà thầu không thống nhất. Sau nhiều chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, công trình tái khởi động từ tháng 3/2022 và đặt mục tiêu hoàn tất vào năm 2023, trễ 7 năm so với kế hoạch.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TPHCM, dự án Bệnh viện Nhi đồng TPHCM chưa giải ngân vốn là do vừa qua Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và kết thúc vào ngày 10/6. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, nhà thầu và chủ đầu tư thực hiện các thủ tục, chốt lại khối lượng rồi thanh toán. Đối với dự án Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trước đây dự án do nhà trường làm chủ đầu tư và mới chuyển giao nhiệm vụ này cho Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TPHCM vào ngày 4/8. Sau khi chuyển giao, chủ đầu tư mới phải làm công tác bàn giao toàn bộ thủ tục pháp lý nên chưa thể giải ngân.