Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã mở diễn đàn "Ồ ạt rút BHXH một lần" phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, số năm đóng, tỉ lệ hưởng cũng như cách tính lương hưu.
Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đồng thuận với cách đặt vấn đề của chúng tôi và mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần lắng nghe bức xúc của NLĐ, từ đó nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Bạn đọc Mai Anh phấn khởi nói: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã đồng hành cùng bạn đọc. Theo giải thích của Bộ LĐ-T-XH thì giảm thời gian đóng là cơ hội cho NLĐ hưởng lương hưu và giảm áp lực cho ngân sách", vậy xin hỏi đó là cơ hội gì? Nếu người lao động có việc làm, có thu nhập thì họ không dừng việc đóng BHXH dù đã 10, 15, 20, 25, 30 năm vì "đóng nhiều hưởng nhiều", nếu họ dừng đóng có nghĩa đã mất việc, không có thu nhập để đóng. Nếu họ mới 40-50 tuổi họ phải "hít khí trời, uống nước lã" chờ 60-62 mới được nhận sổ, nhận sớm bị trừ 2% mỗi năm coi như = 0 đồng. Vậy họ rút 1 lần được đồng nào hay đồng đó". Cũng theo bạn đọc này, người có việc làm đến 60-62 hầu hết là công chức hay doanh nghiệp nhà nước, vậy NLĐ ngoài nhà nước sống như thế nào nếu đóng đủ 10-15 năm nhưng mới 35-55 tuổi? Sao không phân tích và tiếp thu nguyện vọng của NLĐ?
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Thời gian tới cơ quan BHXH có 11 nhóm cải cách, không biết những cải cách này của BHXH là gì có đem lại lợi ích hơn cho người lao động không, nhưng điểm lại những thay đổi trong Luật BHXH có hiệu lực từ 1-1/-2016 đến nay luôn hướng tới giảm quyền thụ hưởng khi nghỉ hưu của người lao động". Bạn đọc này cũng dẫn chứng cụ thể: "Hiện nay, nam 20 năm đóng BHXH hưởng 45% mức thu nhập bình quân đóng BHXH, trước đây 15 năm đóng BHXH hưởng 45%, sau đó cứ thêm 1 năm thì thêm 2% đối với nam, so sánh điều chỉnh này, lao động nam đã bị giảm 10% mức bình quân tiền lương khi cùng đóng BHXH 20 năm ở hai giai đoạn khác nhau. Từ 1-1-2021, bắt đầu mỗi năm nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 3 tháng và nữ lên 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi, trước nam 60 tuổi nữ 55 tuổi. Việc tăng tuổi này chỉ phù hợp cho đối tượng hành chính sự nghiệp môi trường lao động thuận lợi, thu nhập ổn định, nâng lương, đóng bảo hiểm đều đặn, chứ ở công trường, xí nghiệp mái tôn hầm hập, có sản phẩm mới có lương, ngồi không cũng mệt chứ nói gì đến làm việc, rồi bệnh tật, cộng với công việc kém hiệu quả khi tuổi cao, chủ sử dụng lao động lại chiêu trò và thế là phải về hưu trước tuổi, nhưng về hưu trước tuổi thì cũng bị nâng tuổi theo tuổi nghỉ hưu, chỉ về trước hơn 5 năm nếu suy giảm khả năng lao động 61% trở lên". Cách trừ do về hưu trước tuổi cũng tăng theo, trước về sớm 1 năm trừ 1% nay về sớm 1 năm trừ 2% , số này rất nhiều do điều kiện lao động vất vả, chỉ xảy ra ở khối doanh nghiệp, người lao động ngoài khu vực hành chính sự nghiệp".
Từ bất cập đã phân tích, bạn đọc này cho rằng không một thay đổi nào có lợi hơn, chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói chung, trừ một số người làm việc ở môi trường tốt luôn đòi hỏi nâng tuổi nghỉ hưu. Nhiều bạn đọc mong rằng việc điều chỉnh Luật BHXH phải đúng mong mỏi của người lao động, không nên lạc hướng đánh giá như; vì đóng bảo hiểm 20 năm đủ tối thiểu nghỉ hưu là quá dài nên người lao động hay rút BHXH một lần, nay giảm xuống 15 năm để người lao động khỏi rút BHXH. Đối với nhiều người lao động 20 năm đóng BHXH là một hành trình không dài theo tuổi được nghỉ hưu. Số rút BHXH một lần toàn rơi vào những người lao động nghèo khó, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, việc tuân thủ pháp luật về lao động ở nhiều doanh nghiệp không nghiêm túc, chính sách BHXH không ổn định lâu dài. "Mong rằng những thay đổi tới đây cần đem lại lợi ích cho người lao động, tập trung vào đúng vấn đề cốt lõi như giảm tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu như cũ, bỏ việc trừ 2%/năm khi về hưu trước tuổi, đảm bảo trợ cấp mất việc làm cho người lao động, chế tài đối với doanh nghiệp nợ đọng BHXH làm mất đi quyền hưởng trợ cấp mất việc làm của người lao động" - một bạn đọc bày tỏ.
Ở góc nhìn tương tự, bạn đọc Ngô Nhuận chất vấn: "Tại sao cứ loay hoay với việc giảm số năm đóng BHXH để những người chưa đóng đủ 20 năm đã đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu mà không tính đến việc có rất nhiều NLĐ đóng đủ 20 năm nhưng phải chờ thêm 20 năm nữa mới được lĩnh lương hưu? Trong khi đó những người đủ tuổi nhưng chưa đủ năm đóng BHXH có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng 1 lần cho đủ 20 năm, còn NLĐ nhất là công nhân hay lao động phổ thông đi làm từ năm 18 tuổi đến năm 38 tuổi đã đủ 20 năm đóng BHXH, khi đó vừa không còn sức khỏe để làm việc vừa có nguy cơ bị sa thải thì lại phải chờ quá lâu". Để hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo sự chia sẻ, bạn đọc Ngô Nhuận góp ý: "1.NLĐ bắt buộc đóng BHXH 20 năm thì được lĩnh lương hưu theo tỉ lệ 55% mức bình quân lương tháng của 5 năm cuối. Không phân biệt thành phần kinh tế. 2.Cứ mỗi năm đóng vượt được cộng 2% đến tối đa 80%. 3. Chỉ những người suy giảm sức khỏe theo quy định của nhà nước mới được rút BHXH 1 lần trước 20 năm. 4. Số năm hưởng lương hưu bằng số năm đóng BHXH".
Lương hưu phải đủ để an hưởng tuổi già
Nhiều bạn đọc ủng hộ việc giảm tuổi lãnh lương hưu xuống vì với tình hình hiện nay giảm thời gian đóng BHXH xuống thì lượng người rút sổ BHXH sau khi đủ năm đóng BHXH sẽ càng tăng. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định rõ nguyên nhân người lao động rút BHXH sớm là vì chế độ làm việc,lương và khi nghỉ hưu họ được hưởng gì ngoài lương hưu còm cõi? Nhà nước nên có nhiều chế độ cho người về hưu như đảm bảo chi tiêu hàng ngày để an hưởng tuổi già (tăng lương hưu), được chăm lo sức khỏe bằng BHXH tốt hơn thì chắc chắn là việc rút sổ BHXH sẽ giảm bởi vì các quyền lợi khi về hưu như thế thì ai lại muốn nghỉ sớm làm gì.