Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có hàng chục bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NLĐ cả nước về những bất cập của Luật BHXH hiện hành. Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động bày tỏ mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần lắng nghe bức xúc của công luận, từ đó nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Bạn đọc Công Bằng bày tỏ: "Luật thì không hồi tố nhưng với luật BHXH thì không như vậy. Lẽ ra luật sửa đổi bổ sung chỉ áp dung với người tham gia BHXH mới và theo hướng có lợi cho người đã tham gia BHXH trước đó hay chí ít cũng giữ nguyên những gì người lao động đã ký kết từ khi tham gia đóng BHXH. Ở đây, luật sửa đổi bổ sung theo hướng ngày càng gây bất lợi cho người tham gia BHXH. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người muốn rút BHXH một lần". Theo một bạn đọc tên Phương, cái chính là số tuổi nghỉ hưu quá cao thì người làm luật lại né tránh. "Thực tế giảm số năm đóng chả giải quyết được gì. 20 năm thì 18 năm tôi rút, 15 năm thì 13 năm tôi rút, xuống 10 năm thì 8 năm tôi rút. Cái vòng luẫn quẫn này nó cứ vậy. Cho nên, tôi cho rằng không cần trình, chỉnh sửa gì lần này gì hết, chừng nào cái tư duy của người làm luật thay đổi thì hãy sửa luật" – bạn đọc này bức xúc.
Theo nhiều bạn đọc, trong nhiều cái nghịch lý thì có cái nghịch lý to lớn và dễ thấy nhất mà các nhà làm chính sách chưa chịu thấy đó là đang hưởng 100% lương cộng đủ thứ phụ cấp mà vẫn chưa đủ sống phải chờ tăng lương, đùng cái nghỉ hưu chỉ được lĩnh 75% của lương cơ bản hệ số chia bình quân 5,7 năm gần nhất. Như vậy sống như thế nào các nhà làm chính sách nghỉ là người đang lao động thì ăn nhiều, người nghỉ hưu thì ăn ít. Đang lĩnh 10 triệu thì phụ cấp 55% là 5,5 triệu, lương chỉ có 4,5 triệu, về hưu lĩnh 75% của 4,5 triệu đó là tính tối ưu, còn đa số không đủ 75% mỗi tháng 2,3 triệu thôi. Với bạn đọc Nguyễn Anh, tiền đóng BHXH là tiền công sức lao động của NLĐ cho nên tối thiểu họ phải có cái quyền quyết định lấy lại số tiền đó trong mọi trường hợp. Vấn đề này cần cần hiệp thương với NLĐ và sửa chữa khẩn cấp lại quy định hưởng BHXH nam 55 tuổi nữ 50 tuổi là nhận lương hưu. Nhận 1 lần hay từng tháng là quyền quyết định của NLĐ như vậy mới thỏa đáng.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng góp ý: "Những chính sách gì liên quan đến người lao động cần phải lắng nghe và trưng cầu ý kiến người lao động. Chỉ khi đó chính sách và luật mới đáp ứng được nhu cầu thực tế và mong mỏi thưc sự của người lao động. Tiền BHXH bản chất là của người lao động, cơ quan BHXH chỉ là những người quản lý số tiền đó của người lao động hãy để người lao động quyết định tiền đó của mình. Bạn đọc Lý Trọng Phúc ấm ức: " Tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 1990, đến nay được 32 năm nhưng mới 58 tuổi, trước 2018 thì 15 năm đầu được hưởng 45%nhưng bây giờ sửa đổi là 20 năm. Vậy tôi đã mất trắng 5 năm tương đương 10%, đã thế còn bị kéo dài tới 62 tuổi mới được nghỉ. Luật càng điều chỉnh càng thấy buồn".
Bạn đọc Đại Hùng đề xuất: "Tôi nghỉ Nhà nước nên linh hoạt ai đóng đủ thời gian qui định thì được lãnh hưu nhưng với tỉ lệ hợp lý chứ, đóng đủ rồi mà chờ đủ tuổi mới được lãnh hưu thì lâu quá, chưa nói chính sách nhà nước vài năm sau lại tăng tuổi hưu, thực tế là 50 rồi lên 55 rồi lên 60 giờ là 62, mọi người sẽ chon rút một lần". Một bạn đọc giấu tên viết: "Chúng tôi hỏi ông Bộ trưởng là khi nào giảm tuổi nghỉ hưu, vậy thôi, đóng 10 năm mà chờ thêm 32 năm nữa à? Lẽ ra tăng tuổi theo lộ trình nên áp dụng cho nhóm đối tượng mới tham gia theo luật mới thôi, không thể ...cào cái ào như vậy được. Giảm số năm đóng mà không giảm thực tuổi nghỉ hưu như luật cũ thì cũng chả có ý nghĩa gì".
Bạn đọc Nguyễn Văn Trực phân tích: "Vì sao NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần? Vì NLĐ biết sắp tới sẽ giảm số năm đóng để được hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm! Vì sao lại thế? Vì BHXH đã có một chính sách vô lý là người đóng càng nhiều thì hưởng lương càng ít. (theo quy định hiện hành nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm thì được hưởng 45%. Như vậy trung bình một năm đóng hưởng 3% trong khi những năm tiếp theo chỉ hưởng 2% chưa nói tính bình quân cả thời gian đóng thì rõ ràng người đóng càng nhiều càng thiệt). BHXH cần thiết kế sao cho NLĐ đóng càng nhiều càng có lợi thì không ai dại gì đi rút cả!
Bạn đọc Trần Bình góp ý: "Tại sao không nghiên cứu, đưa ra tỉ lệ về số năm hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm, sau khi hết thời gian này người lao động chỉ hưởng trợ cấp với tỷ lệ thấp hơn, như vậy, mức lương hưu sẽ phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm đóng lâu thì hưởng cao và thời gian dài hơn". Một bạn đọc Tuấn đề xuất: "Cần điều chỉnh lại tuổi nghỉ hưu. Nếu là nam đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm mà tuổi đời 55 tuổi có nguyện vọng nghĩ hưu thì được nghỉ hưu! đối với nữ cũng vậy".
Muốn NLĐ ở lại với BHXH thì phải có chính sách an sinh tốt
Đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Luật BHXH, bạn đọc Võ Tuấn Hải cho rằng nên sửa luật nhưng không được hạn chế quyền của NLĐ, cho phép NLĐ có quyền lựa chọn rút 1 lần hoặc bảo lưu để hưởng hưu dù họ đóng BHXH bao nhiêu năm đi nữa. Nếu muốn NLĐ ở lại với BHXH thì phải có chính sách an sinh tốt, khi NLĐ thấy được cái lợi của việc ở lại hệ thống thì chả ai rút 1 lần. "Trước mắt là giảm tuổi hưu, tăng mức hưởng, tính trung bình 5 năm cuối cho tất cả chứ không phân biệt đối xử, Bộ đội, công an nếu xuất ngũ cũng phải chờ hưu như lao động ngoài quốc doanh, không hạn chế quyền lựa chọn của NLĐ" – bạn đọc này đề xuất. Tương tự, bạn đọc tên bày tỏ: "Nếu đã đóng đủ BHXH để có lương hưu thì được lựa chọn lĩnh lương hưu theo nguyên tắc đóng bao nhiêu năm BHXH sẽ được hưởng lương hưu bấy nhiêu năm, thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết định".