Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO liên tục có những bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải sòng phẳng với người lao động" và nhận được sự đồng thuận cao của nhiều bạn đọc trung thành. Bên cạnh chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, cách tính lương hưu và trượt giá, bạn đọc cũng bày tỏ mong muốn cơ quan soạn thảo luật (Bộ LĐ-TB-XH) cần lắng nghe bức xúc của công luận, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Một bạn đọc giấu tên viết: "Sòng phẳng là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, ví dụ đóng 10 năm thì hưởng lương hưu 10 năm, đóng 20 năm thì hưởng lương hưu 20 năm. Khi đóng đủ BHXH thì có quyền lựa chọn thời điểm lĩnh lương hưu. Còn mức đóng, thời gian đóng, ti3 lệ % lương hưu....phải căn cứ vào mức sống tối thiểu vùng và do nhà làm chính sách quyết định. Người lao động chỉ cần có vậy". Theo nhiều bạn đọc, với môi trường sống và và điều kiện y tế hiện tại thì người lao động sẽ sống được bao lâu sau khi hết khả năng bán sức lao động. Do vậy, nên giảm tuổi nghỉ hưu hoặc để người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu với mức hưởng lũy kế tương ứng là hay nhất.
Bạn đọc Quang Tuấn nêu ví dụ: "Tôi năm nay 51 tuổi, đóng BHXH được 28 năm (5 năm cuối tôi đóng bhxh mức bình quân 9 triệu đồng). Năm nay do sức khoẻ yếu (giám định mất sức lao động 81%). tôi được nghỉ chế độ với mức lương 2,233,300 đồng. Khi có quyết định tôi thực sự sốc. Nếu biết mức lương thấp như vậy tôi cũng sẽ xin được rút một lần. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Bá Thắng ấm ức: "Tôi đi làm nhà nước 27 năm bị suy giảm sức khỏe nay nhận lương hưu được 2,1 triệu đồng/tháng thì làm sao đủ sống? Thiết nghĩ phải trả lương hưu bằng mức sống tối thiểu cho người nghỉ hưu".
Theo bạn đọc Phạm Trang, muốn NLĐ không rút bảo hiểm một lần thì nên giảm tuổi nghỉ hưu cả nữ và nam, thế thôi. Bạn đọc Vũ Ngọc góp ý: "Cứ đóng đủ năm thì cho người lao động nghỉ hưu, người ta làm sớm đóng BHXH sớm , thì người ta được nghỉ sớm, và tính tiền nghỉ hưu theo bình quân 5 năm cuối như công chức nhà nước". Tương tự, một bạn đọc giấu tên đề xuất: "Theo tôi có thể đóng 20 - 25 năm và có thể về hưu từ 50 -55 tuổi. Khi đó người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Chứ quy định 60 và 62 tuổi thì việc người dân rút BHXH 1 lần là không thể tránh khỏi. Ở một góc nhìn tương tự, bạn đọc Trần Đình Thịnh đề xuất: "Tôi thấy 20 năm hưởng 45% cũng được nhưng không nên khống chế tuổi nghỉ hưu và trừ phần trăm khi chưa đủ tuổi, nghĩa là làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu".
Đồng quan điểm, theo bạn đọc Đặng Trí Dũng, cứ đóng đủ năm thì NLĐ có quyền nghỉ hưu (hưởng 75%) và không bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Bạn đọc Vũ Tuấn Cường cũng quả quyết: "Giảm tuổi nghỉ hưu xuống nữ còn 55, nam 60 như trước. Tính lương hưu bằng bình quân 5 năm cuối cộng lại, giảm số năm từ 20 năm còn 15 năm thì chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề". Với bạn đọc Chí Thành, nếu NLĐ đóng đủ 20 năm BHXH thì được nghỉ hưu hoặc đi làm tiếp tùy vào điều kiện của NLĐ, chứ không bắt buộc phải chờ đến tuổi để nghỉ.
Lắng nghe để sửa luật
"Xin các vị ĐBQH hãy về các KCN, KCX, về các khu trọ mà tìm hiểu xem nguyện vọng của NLĐ về chính sách an sinh của BHXH là như thế nào rồi hãy thông qua luật sửa đổi, cần thiết thì hãy đối thoại với NLĐ, từ đó mới cân nhắc và đưa ra được chính sách an sinh thực tiễn sát với đời sống của NLĐ. Nếu chính sách BHXH tốt thì NLĐ sẽ không bao giờ rời xa, sẽ không còn tình trạng rút BHXH 1 lần. Qua nhiều bài trên Báo NLĐ cũng như tổng hợp ý kiến của đọc giả xin tóm lược mấy ý sau: 1. Giảm tuổi hưu. 2. Giữ mức hưởng như trước kia. 3.Được quyền lựa chọn rút 1 lần hay bảo lưu. 4.Vẫn giải quyết chế độ khi NSDLĐ nợ tiền BHXH và cơ quan chức năng phải có chế tài các DN đó và thu hồi sau. 5. Được nhận tiền BHTN 1 lần cho khoảng thời gian chưa hưởng nếu đến tuổi hưu. Mong lắm các vị ĐBQH hãy lắng nghe và có quyết sách hợp lòng dân" – bạn đọc Võ Tuấn Hải đề xuất.