Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức cuối tuần qua, phản hồi trăn trở của công nhân về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ này đang chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. "Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, trên tinh thần công bằng, chia sẻ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Xung quanh đề xuất trên, trên Báo NLĐO có bài viết: "Ồ ạt rút BHXH một lần: Đừng để người lao động bất an". Bài viết nhận được sự đồng thuận cao của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động. Bạn đọc Huỳnh Thị Hoa bày tỏ: "Giảm năm đóng bhxh mà tăng tuổi nghỉ hưu đó chỉ là cách kiềm hãm không cho người lao động rút 1 lần mà thôi, càng gây khó khăn chứ chẳng giúp được gì cho họ". Tương tự, bạn đọc Võ Tuấn Hải nhìn nhận: "Nếu không giảm tuổi hưu hoặc không cho hưởng hưu theo số năm tham gia, thì tôi kiểu gì cũng xin nghỉ để rút 1 lần dù đang có việc ổn định, thu nhập tốt. Vì càng giảm năm đóng thì điều kiện rút 1 lần càng khó, mà chờ hưu thì càng lâu, còn công việc thì không biết khi nào sẽ thất nghiệp. Đây là lo lắng của nhiều NLĐ trong đó có tôi U50 đóng BHXH 14 năm". Còn theo bạn đọc Hoàng Anh, cơ quan soạn thảo luật chỉ làm khó người lao động bởi chỉ giảm năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu thì người lao động chờ làm sao được?
Bạn đọc Châu Ngọc Đức bức xúc: "Rút BHXH một lần là đương nhiên thôi, vì người lao động qua các đợt điều chỉnh chính sách bhxh càng ngày càng thua thiệt, bị bóp chẹt. Như tôi làm kỹ sư trong ngành VNPT (có tiếng về chăm sóc người lao động) đóng BHXH liên tục 26 năm, lúc về hưu chỉ được 2,4 triệu đồng/tháng thì thử hỏi chính sách bhxh có còn hấp dẫn người lao động". Bạn đọc Phan Hải dẫn chứng ngay trường hợp của mình: "Tôi sinh năm 1966, đóng BHXH 30 năm với mức lương trung bình 5 năm cuối hướng bảo hiểm hơn 9 triệu động. Nay suy giảm sức khỏe nên hướng lương hưu trừ tới trừ lui chỉ còn có 57% lãnh 5,5 triệu đồng, còn những người lương thấp lãnh càng tệ hơn, không rút 1 lần mới lạ".
Theo ban đọc Hà Hiếu Hạnh, cái cốt lõi là giảm tuổi nghỉ hưu thì không thấy nói tới, toàn né tránh. Đậu Xuân Thành bức xúc: " Lương 100% sống vất vưởng còn chờ lương hưu 45% thì chắc công nhân họ rút BH một lần là phần đa vì tuổi nghỉ hưu quá cao.công nhân ngành dày da nhất là công nhân ngành gỗ thì 45 đến 50 tuổi là đầu gối long hết rồi và chủ họ cũng sa thải ngồi đó mà chờ 60-62 tuổi mà lãnh lương hưu nghe viển vông quá".
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Nguyễn Quang Tuấn đề xuất: "Theo tôi nam và nữ bình đẳng, đóng 25 năm và 50 tuổi được hưởng 50% lương hưu, từ trên 50 tuổi nếu ai muốn đi làm thì cứ đóng thêm ví dụ 2%, vậy cứ ai nghỉ thời điểm nào thì trả lương theo% thời điểm đó ví dụ tôi đi làm đến 55 tuổi hưởng 60%,... % đóng có thể tăng theo bậc". Bạn đọc Trần Phong góp ý chi tiết hơn: "Theo ý kiến của tôi thì: 1. là giảm số năm đóng xuống còn 15 năm và phải công bố số % khi NLD nghỉ hưu được lãnh là bao nhiêu 2. Nên cho NLĐ về hưu ở độ tuổi đối với nữa từ 48-50 và Nam từ 50-52 nếu ai có nhu cầu làm việc thêm đến độ tuổi như BHXH qui định như bây giờ thì vẫn cứ tiếp tục làm ai có nhu cầu về hưu sớm thì nên cho họ về hưu sớm. 3. BHXH nên cập nhật lên VSSID cho người tham gia BHXH biết là lãnh BHXH 1 lần sẽ được bao nhiêu và khi về hưu BHXH trả cho NLĐ được bao nhiêu hàng tháng. 4. Ai có nhu cầu rút 1 lần thì sẽ cho họ rút và ai có nhu cầu lãnh BHXH hàng tháng thì cho họ lãnh hàng tháng Không nên áp đặt người tham gia BHXH vì đó là tiền mồ hôi người ta bỏ ra bao nhiêu năm tham gia BHXH nên người ta có quyền quyết định với số tiền đó".
Luật phải đi vào thực tiễn cuộc sống
Bạn đọc Bình An kiến nghị: "Cơ quan BHXH cần trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60, nữ 55. Mức lương hưu là bình quân cho 5 năm làm việc gần nhất, không phân biệt tư nhân hay nhà nước. Sau này, khi mức sống xã hội cao hơn, sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn, mức hưởng lương hưu cao hơn cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhằm tạo cho nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc cũng là mục đích của Đảng và nhà nước". Bạn đọc Kim Dũng bày tỏ: "Mong rằng trong thời gian đến các cơ quan chức năng tham mưu sửa đổi luật BHXH cho phù hợp với nguyện vọng của người lao động, để luật thực tế đi vào cuộc sống. Bạn đọc Nguyễn Văn Toàn tha thiết: "Cơ quan soạn thảo Luật BHXH nên tiếp thu ý kiến của người lao động. Chính sách đóng BHXH đã và đang đẩy cái khó cho phía người lao động. Vì đóng đủ 15 năm bh ở tuổi 40 nhưng phải chờ tới 22 năm nữa để đủ tuổi mới được nhận lương hưu. Thì người lao động sẽ sống như thế nào. Đó mới là cái chìa khóa mà người lao động cần chính sách BHXH mở nó. để người lao động yên tâm tham gia đóng BHXH không rút một lần như hiện nay.