Vươn lên trong khó khăn
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với hạn mặn. Cuộc sống của người nông dân nhiều nơi bị đảo lộn. Song khi đến với Cồn Chim, thuộc xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), nơi đây lại có khí hậu mát mẻ, trong lành.
Vẻ đẹp Cồn Chim
Cả một khu vực hơn 62 héc-ta được gìn giữ, bảo vệ và người dân sống thuận thiên. Chị Nguyễn Thị Sữa, người dân trồng dừa cho biết: “Cồn Chim là cù lao nhỏ, có thể nhiều gia đình thiếu đất sản xuất, nhưng không vì thế mà khai thác tận cùng đất đai đâu. Tuy có lúc thiếu thốn một chút, nhưng cuộc sống vui vẻ, ôn hòa”.
Theo chị Sữa và nhiều bà con khác, chính quyền và người dân đều đặt tiêu chí chất lượng trong sản xuất lên trên. Hàng năm cứ đến tháng 9 là người dân gieo sạ lúa, tháng 12 thu hoạch. Trong quá trình chăm sóc cây lúa, người dân không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học; chủ yếu sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra hạt gạo sạch.
Anh Nguyễn Văn Pha (Tư Pha), chia sẻ: “Không bón phân hóa học, không phun thì năng suất giảm, chỉ đạt khoảng 5 tấn/héc-ta, thấp hơn so với các vùng khác (7-8 tấn/héc-ta); nhưng bù lại hạt gạo làm ra sạch 100% nên bán giá cao hơn so với nhiều loại gạo khác. Các thương lái đến thu mua nông sản cũng ưng cái bụng, vì sản phẩm bán được giá, chạy hàng”. |
Anh Pha cũng cho hay, trước kia ở Cồn Chim cứ quay vòng 6 tháng ngọt rồi 6 tháng mặn. Nhưng gần đây, có khi nước mặn tăng lên 8 tháng/năm, có thể do biến đổi khí hậu. Bởi thế mà bà con luôn cảnh giác bảo vệ sinh thái và sản xuất thuận tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Quời, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim, cho biết thêm, những ngày này Cồn Chim cũng bị bao vây bởi nước mặn. Nhưng bà con vẫn cần cù, cải tạo, lao động, ngoài làm ruộng còn nuôi trồng thủy sản nữa.
Có một điều rất nhân văn mà không phải ở đâu cũng làm được, đó là người dân thống nhất quy ước là không khai thác rừng, không tỉa thưa rừng ở hai bên sông khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng; không dùng lưới có kích thước nhỏ hơn quy định, không khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản; không dùng kích điện; không đăng mé, không đóng đáy mùng, không sử dụng lưới ba màng và các hình thức cào để khai thác thủy sản tự nhiên trên sông.
Điểm du lịch nông nghiệp
Xin nhắc qua, Cồn Chim nằm giữa dòng sông Cổ Chiên. Từ lâu Cổ Chiên là con sông đẹp, có chiều dài khoảng 80 km, làm thành ranh giới tự nhiên giữa ba tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Trên dòng sông Cổ Chiên chảy qua địa bàn Trà Vinh có nhiều cù lao và cồn như: Cồn Hô, cù lao Long Trị, cù lao Long Hòa, Cồn Cò…
Cồn Chim cách trung tâm thành phố Trà Vinh 10 km, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, đã được xây dựng thành công mô hình người dân chung sống hòa thuận với thiên nhiên. Điều đáng nói, người dân đã chung tay vì môi trường trong lành, giữ gìn nét văn hóa vùng quê Nam bộ bình dị.
Quà quê ở Cồn Chim
Từ tháng 9/2019, Cồn Chim chính thức trở thành mô hình Khu du lịch nông nghiệp Cồn Chim. Bình quân mỗi ngày có hơn 100 du khách các nơi về thả mình vào thiên nhiên trong lành, thưởng thức các sản vật miệt đồng ngon và sạch, cùng nhiều loại bánh dân gian Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Quời cho biết trước đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, nay lại có du lịch nữa thì không lo nghèo. Mỗi hộ làm một thứ sở trường, không ai cạnh tranh ai nên 20 hộ dân trong cồn sẽ không ai phải giành giật nhau, ngược lại còn hỗ trợ nhau cùng làm ăn.
Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không gian bếp xưa, uống nước dừa tươi ngay tại vườn, thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng do người dân địa phương tự làm, trải nghiệm hoạt động câu cua, làm bánh xèo với nguyên liệu tại chỗ, bắt tôm, chiên bánh…
Ngoài ra du khách còn được tham gia làm các sản phẩm từ lá dừa, các trò chơi dân gian như chọi lon, bắn bi, kéo mo cau, banh đũa… khơi gợi lại ký ức tuổi thơ. Khách đến đây đều thấy ấn tượng, không chỉ bởi cảnh sắc mà còn bởi người dân thật như đếm. Bởi thế mà cồn có câu slogan làm du lịch “Về Cồn Chim - người quê chỉ có tấm lòng”.
Anh Tiêu Hà, du khách cho biết: “Người dân ở đây cho tôi cảm giác như lâu ngày về thăm người thân. Họ gần gũi mà thật thà, nhiệt tình mà không quá vồn vã. Dù đi một mình, họ vẫn không để bạn cảm thấy cô độc. Kiểu du lịch homestay ở đây không giống bất kỳ homestay ở một nơi nào, nó a-ma-tơ một cách đáng yêu”. |
Tất nhiên, để có mô hình thành công như hôm nay, không chỉ có người dân, mà chính quyền, những người dám nghĩ, dám làm đã tạo ra một sự khác biệt, một mô hình sáng.
Chuẩn bị cho khu du lịch, trước năm 2019, UBND huyện Châu Thành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh mời các đơn vị chuyên về du lịch đến Cồn Chim giúp bà con thiết kế lại nhà cửa theo nét xưa Nam bộ, xây dựng các khu đón khách du lịch, khu vui chơi ở nông thôn.
Bên cạnh đó, mời chuyên gia về tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, cách ăn nói, tiếp du khách và chế biến các món ăn truyền thống địa phương, dân dã… Gia đình Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Quời với mô hình “Bếp xưa Nam bộ”, gồm sản phẩm mứt gừng, nước dừa dứa, nước sâm và tham quan bếp ăn quê với những món ăn bình dân.
Thực sự, ở nước ta có nhiều Cồn Chim mà phong cảnh vô cùng trữ tình, trong đó có Cồn Chim ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh). Ðây là nơi bảo tồn thiên nhiên, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15 km… Đây là khu cồn có diện tích hơn 500 héc-ta, có cả ban quản lý khu bảo tồn, một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng ở Bình Định và thu hút nhiều khách vào cuối tuần.
Cũng có nhiều mô hình nông dân làm du lịch sinh thái, điền dã, cùng người nông dân có những trải nghiệm thú vị. Cộng sinh với thiên nhiên như những bà con nông dân ở Cồn Chim (vùng sông nước Trà Vinh) là một mô hình cần nhân rộng và tích cực phát huy, bởi nhiều khu du lịch ban đầu được giới thiệu là để phát triển sinh thái nhưng lại phá hoại sinh thái. Mô hình này cũng cho thấy dù ở hoàn cảnh khó khăn, nếu có sự chung tay thì cuộc sống vẫn trở nên tốt đẹp. |