Những ngày này, người dân thôn Hương Thượng đang tập trung thu hoạch tỏi. Ở đây, hộ nào trồng ít thì vài thước, hộ trồng nhiều cũng hơn 2 sào tỏi. Những diện tích được bà con trồng tỏi trước đây là đất trồng lạc. Những diện tích trồng lạc cho hiệu quả kinh tế thấp nay bà con đã chuyển sang trồng tỏi và thu nhập gấp đôi, gấp ba so với trồng lạc.
Tỏi được trồng trên những vùng đất trước đây trồng lạc. Ảnh: N. Duyên.
Vừa thu hoạch tỏi bà Nguyễn Thị Khôi vừa chia sẻ: "Bản thân tôi trồng tỏi đã hơn 20 năm rồi. Trước đây nhà tôi chỉ trồng ít trong vườn để phục vụ nhu cầu trong nhà. Nhưng 4 năm nay, tôi đưa tỏi ra đồng, năm nay nhà tôi trồng 2 sào tỏi. Trồng tỏi tuy kỳ công hơn so với trồng lạc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Cứ mỗi sào tỏi chúng tôi cũng thu về 7 - 8 triệu đồng...".
Theo bà con thôn Hương Thượng, trồng tỏi cũng không quá phức tạp. Tỏi thích hợp với đất cát pha thịt, chỉ bón phân chuồng và không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Đến vụ trồng tỏi, các tép tỏi thu hoạch vụ trước được tách ra để gieo.
Đầu tháng 10 âm lịch, người dân bắt đầu gieo tỏi. Ảnh: N. Duyên.
Sau khi làm đất, sẽ tiến hành gieo tỏi, khoảng cách giữa các cây tỏi từ 10 - 15cm. Để tiết kiệm đất, nhiều hộ dân còn gieo tỏi theo kiểu chân kiềng. Hàng cách hàng khoảng 20cm. Sau khi gieo tỏi giống, lấp đất, người dân sẽ dùng cây tiến (một loại cây thuộc họ dương xỉ) hoặc rơm rạ để phủ lên mặt đất vừa tạo độ ẩm, độ xốp cho cây tỏi phát triển lại giảm cỏ mọc.
Hằng năm cứ tháng 10 âm lịch là người dân xuống giống, đến tháng 3 sang năm sau là thu hoạch tỏi. Sau khi cây tỏi bắt đầu úa lá là tỏi đến lúc thu hoạch. Tỏi được đưa về nhà, phơi trong bóng mát để vỏ tỏi khô dần. Sau đó, tỏi được buộc chùm , cắt ngọn, để lên dàn thoáng mát bảo quản.
. Tỏi thích hợp với đất thịt pha cát. Ảnh: N. Duyên.
Bà Đậu Thị Khang, 65 tuổi, thôn Hương Thượng cho hay: "Trồng tỏi thời gian cũng như trồng lạc. Tuy đầu tư giống có cao nhưng đến khi thu hoạch lại bán được giá. Mỗi củ tỏi được bán từ 1.000 - 2.000 đồng, tùy củ to nhỏ. Năm mất mùa cũng được 4 - 5 triệu đồng, năm được mùa mà lại được giá mỗi sào tỏi cũng thu về gần chục triệu đồng. Đất trồng tỏi sau khi thu hoạch được chúng tôi tận dụng trồng vừng, ngô...".
Theo bà con nông dân thôn Hương Thượng, tỏi năm nay được mùa, củ to đều, bán cũng được giá. Ảnh: N. Duyên.
Theo người dân trồng tỏi, ở đây nhà nào cũng chăn nuôi trâu bò nên dùng phân trâu, bò ủ hoai để bón vừa tốt cây vừa cải tạo đất. Trồng tỏi không dùng được thuốc diệt cỏ nên mỗi vụ tỏi cũng phải nhổ cỏ 3 lần.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng tỏi, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm nói: Chúng tôi ở đây là vùng đất ngập lụt nên thường phải chờ sau khi hết lũ lụt thì mới gieo trồng được. Tỏi ở đây chúng tôi bán được giá, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cũng khá cao. Đến mùa gieo trồng mỗi củ tỏi giống có giá 2.000 - 3.000 đồng, tùy từng năm.
Tỏi sau khi thu hoạch về sẽ được buộc lại thành từng chùm, cắt ngọn để dễ bảo quản. Ảnh: N. Duyên.
Chị Xinh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: Vùng trồng tỏi không cố định mà chúng tôi thường luân chuyển để thay đổi. Năm nay trồng ở ruộng này thì năm sau chuyển sang trồng ruộng khác để cây tỏi đạt năng suất cao hơn.
Vụ tỏi năm nay ở thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được mùa, củ to đều. Ảnh: N. Duyên.
Tỏi được buộc chùm và để nơi thông thoáng để bảo quản. Ảnh: N. Duyên.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết: Những năm gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng tỏi. Năm nay, tỏi được mùa. Tỏi ở đây thơm, tinh dầu nhiều nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Hiện nay, toàn xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) có khoảng 3 ha đất trồng lạc được người dân chuyển sang trồng tỏi và chủ yếu tập trung tại thôn Hương Thượng với gần 30 hộ trồng. Thời gian qua, sản phẩm chủ yếu được người dân tự bán, người thân mua dùng. Xã Lộc Yên đang xây dựng tỏi làm sản phẩm OCOP của địa phương.