Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng ca cao lớn nhất cả nước với 1.400 ha, năng suất từ 2 đến 2,5 tấn hạt khô/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar…
Ca cao có nhiều giống khác nhau nhưng quả ca cao thường có hai màu là xanh và tím.
Các hộ trồng ca cao thường xuyên được các cấp, ngành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác ca cao nên năng suất, chất lượng của loại cây trồng này ngày càng được nâng cao.
Những quả ca cao màu xanh khi chín sẽ cho ra màu vàng, còn những quả màu tím sẽ cho ra màu nghệ hoặc vàng cam.
Một tín hiệu vui đến với người dân trồng ca cao là hiện giá ca cao liên tục giữ ở mức khoảng 70.000 đ/kg hạt khô. Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã khởi nghiệp bằng sản phẩm từ cây ca cao và được thị trường trong, ngoài nước đón nhận, từ đó nhu cầu về nguyên liệu ca cao ngày càng tăng cao.
Niềm vui của người dân khi quả ca cao đạt chất lượng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thời gian tới thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu tăng, cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như: Ghana và Bờ Biển Ngà... đây chính là cơ hội cho người trồng ca cao của tỉnh tiếp tục đầu tư trồng ca cao theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất bền vững và xây dựng thương hiệu...
Sau khi sơ chế bóc hạt, hạt ca cao sẽ được lên men. Lúc này, hạt ca cao sẽ chuyển sang màu nâu đặc trưng.
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng người trồng ca cao đều phơi hạt trong các nhà lồng đúng tiêu chuẩn.
Nhiều sản phẩm từ hạt ca cao Đắk Lắk như bột ca cao, kẹo sôcôla... đã được trưng bày và giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc thích thú lựa chọn sản phẩm ca cao của Đắk Lắk tại Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế năm 2019 tại Jeollabuk (Hàn Quốc).