Vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Tuyên Quang là một trong những nguồn lực quan trọng để hộ nghèo, hộ chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nhất là phát triển chăn nuôi đại gia súc-thế mạnh của nông nghiệp địa phương…
Thu nhập khá từ đàn dê sinh sản
Gia đình ông Đinh Quang Hoạch (thôn Ninh Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương) là hộ nghèo. Thời gian qua, ông Hoạch được Ngân hàng CSXH cho vay vốn mua cặp trâu sinh sản. Sau một thời gian, ông Hoạch đã nhân đàn lên 8 con trâu và mua thêm được 3 con bò. Từ việc nuôi trâu, bò, gia đình ông đã thoát nghèo.
Còn anh Triệu Việt Toàn ở thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa vay vốn Ngân hàng CSXH nuôi dê. Từ 20 con dê, đến nay tổng đàn dê của gia đình anh Toàn lên đến hàng trăm con, cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. Ông Ngô Minh Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, tính đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã là trên 23 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm, trồng cây lâm nghiệp, chè…
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Triệu Việt Toàn ở thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đầu tư nuôi dê và thoát nghèo. ảnh: Quốc Việt
Là 1 trong những hộ vươn lên khá giả từ vốn vay ưu đãi, bà Nguyễn Thị Lai ngụ thôn Ba Một, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây, gia đình bà thuộc diện nghèo nhất trong xã. Năm 2011, gia đình bà được vay 4 triệu đồng mua 1 trâu sinh sản. Từ con trâu làm vốn này, đến nay gia đình bà có đàn trâu 6 con trâu. Ngoài ra bà Lai còn trồng 3.500m2 mía đường và hơn 1ha rừng keo. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu lãi gần 100 triệu đồng chăn nuôi và trồng mía, rừng…
Thúc đẩy tiềm năng nông nghiệp xứ Tuyên
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đạt trên 2.200 tỷ đồng, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay là 571,9 tỷ đồng. Tổng số nợ quá hạn và nợ khoanh là trên 11,5 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ… |
Theo đánh giá của các cấp, ngành địa phương, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp xứ Tuyên, nhất là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả… Anh Hoàng Văn Chương ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) chia sẻ, năm 2012 anh là hộ nghèo được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng. Số vốn này, anh đã đầu tư trồng và chăm sóc 400 gốc cam sành. Vụ cam năm 2012, gia đình thu được gần 20 tấn cam, thu lãi 100 triệu đồng. Năm 2013, gia đình anh trả được nợ cho ngân hàng và đã thoát nghèo. Và hiện nay, gia đình anh Chương là hộ khá của xã.
Bà Nguyễn Thị Lai, thôn Ba Một, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu đẹp gây dựng từ vốn vay ưu đãi. Ảnh: Quốc Việt.
Còn với hộ anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là động lực để gia đình anh vươn lên thoát nghèo. Năm 2007, anh được vay 10 triệu đồng mua 1 cặp trâu sinh sản và mua lợn giống để chăn nuôi. Đến nay, gia đình có 5 con trâu; mỗi năm trừ chi phí, lãi trên 40 triệu đồng từ chăn nuôi…
Theo lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang, đến nay, chi nhánh đã hỗ trợ vốn cho hơn 346.842 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; giúp cho 111.091 hộ thoát nghèo; 23.166 lao động có việc làm ổn định...
Bà Lê Thị Kim Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính đến hết tháng 9.2017, Ban đại diện HĐQT các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra, giám sát 71 lượt xã, 149 lượt tổ TKVV; 341 lượt hộ còn dư nợ. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH…/.