Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ 2019, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), nhận định: "Khoảng 5% GDP của Việt Nam sẽ bị mất đi do ô nhiễm không khí".
Ông Miura dẫn chứng, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng nguy hại tại Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân ô nhiễm do khí thải ôtô, xe máy tại thành thị và do đốt rơm rạ sau thu hoạch tại khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, ô nhiễm nước cũng là vấn đề nghiêm trọng, bởi hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia. Để xảy ra tình trạng này là do quá chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm đến các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu JCCI cũng cho rằng, ô nhiễm không khí nói riêng và môi trường nói chung là mối nguy hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này lý giải vì sao các dự án đầu tư của các công ty nước ngoài suy giảm tại Việt Nam.
Vì vậy, để cải thiện chất lượng môi trường không khí, ông Miura khuyến nghị Chính phủ tăng cường các quy định và lấy việc cải thiện chất lượng môi trường là trọng tâm ưu tiên.
Trước đây, ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề bức thiết tại Nhật Bản khi nước này bước vào thời kỳ tăng trưởng cao (giai đoạn 1960-1970). Tổ chức hợp tác & phát triển kinh tế (OECD) đã từng nhận định, Nhật Bản là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất, trong đó ô nhiễm không khí đã làm xuất hiện các bệnh như hen suyễn. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi "Đạo Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường" vào năm 1970, với những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, loại bỏ điều khoản về "sự hài hòa giữa kiểm soát ô nhiễm và phát triển kinh tế, đồng thời sửa đổi chính sách quốc gia từ ưu tiên công nghiệp sang sức khỏe người dân Nhật.