"Khói tỏa ngàn sương"
Theo thống kê ở Hà Nội và TP.HCM trong nhiều tuần qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều trạm quan trắc chạm ngưỡng không tốt, thậm chí có những thời điểm rất xấu (AQI trong khoảng 201-300). Giá trị trung bình của bụi PM2.5 nhiều lần vượt quá giới hạn cho phép. Đáng quan ngại, AQI rất xấu chiếm đến một phần ba thời gian trong ngày.
Sự nguy hại được hữu hình bằng những khuyến cáo người dân hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn chính: từ giao thông, từ việc xây dựng các công trình và từ hoạt động công nghiệp của các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Trong đó, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 20% lượng khí thải carbon toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khẳng định con số này đang ở ngưỡng khoảng 10,8%. Theo kịch bản phát triển thông thường, lượng phát thải dự báo sẽ tăng hàng năm từ 6-7%, đạt gần 70 triệu tấn carbon vào năm 2030. Xe máy chạy xăng được cho là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm khi thải ra môi trường lượng lớn khí thải.
Tuy nhiên, bằng việc kết hợp một loạt chính sách và đầu tư, đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm lượng phát thải carbon trong lĩnh vực giao thông lên đến 8-9% với nguồn nội lực trong nước, và 15-20% nếu có thêm sự hỗ trợ từ quốc tế và sự tham gia của khu vực tư nhân.
Xe điện là bước phát triển tất yếu
Với tình hình hiện tại, hầu hết chuyên gia đều đồng tình rằng, thay đổi cách chúng ta đi lại là một phần thiết yếu để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm. Chính vì vậy, xu hướng chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện ngày càng nhiều, trong bối cảnh các đô thị lớn đang có dự định cấm, hoặc hạn chế, xe xăng do tác hại của khí thải.
Theo VAMM, tổng lượng xe máy, xe đạp điện được bán ra ở Việt Nam năm 2017 đạt gần 500.000 xe, tăng 30% so với năm 2016, và đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng là khoảng 40%.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, dường như thị trường xe máy điện chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu xu hướng khi vài năm qua, dù tăng trưởng nhưng không có mấy tên tuổi thực sự sáng giá. Rất dễ dàng thấy được tại các cửa hàng xe điện ở Hà Nội chiếm đa phần là các dòng xe máy điện có xuất xứ từ Trung Quốc, có đủ tên lạ đời nhưng chất lượng kiểu dáng không quá nhiều khác biệt. Một số hãng xe "được cho là" có nguồn gốc Việt nhưng cũng nhập nhằng với phần lớn từ linh kiện được nhập từ Trung Quốc. Một số lượng ít ỏi đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhưng bức tranh đó đang dần thay đổi với sự xuất hiện của thương hiệu nội địa VinFast từ cuối năm 2018. Kể từ đó, thị trường xe máy điện đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hàng loạt các hãng xe tuyên bố trình làng sản phẩm mới, tiện lợi khi sử dụng hơn, đặc biệt hứa hẹn cải tiến hệ thống pin sạc, giúp xe có phạm vi hoạt động dài hơn sau mỗi lần sạc đầy, thoát khỏi định kiến "phạm vi ao làng" của những mẫu xe đời cũ với tầm hoạt động thông thường chỉ khoảng 40km.
Dự báo kết thúc năm 2019, mức độ tăng trưởng của thị trường sẽ đạt ba con số, nhờ loạt sản phẩm mới từ thương hiệu nội VinFast cũng như sự góp mặt gần đây của MBIGo bên cạnh những cái tên quen thuộc khác như Pega, Yadea cùng sự tham gia cuộc chơi của chính các hãng vốn sản xuất xe chạy xăng như Honda, Piaggio, Yamaha.
Trong đó, VinFast được xem là cái tên làm dậy sóng thị trường, có chiến lược khá bài bản với sản phẩm có phạm vi hoạt động lên tới 80km, đi cùng các cửa hàng dịch vụ sẵn có và hệ thống điểm sạc, trạm thuê pin đang được mở rộng. Ngoài ra, VinFast cũng đang có những mẫu sản phẩm phủ rộng các phân khúc, từ Impes và Ludo giá từ 21-22 triệu đồng (đang được áp dụng mức giá ưu đãi 13-15 triệu đồng) đến Klara giá từ 31 - 52 triệu đồng (khi mới ra mắt giá khuyến mãi từ 19-32 triệu đồng).
Tập đoàn MBI của Hàn Quốc gần đây tung ra ba mẫu xe máy điện MBIGo với mức giá cao hơn hẳn Klara nhưng tự tin vẫn quyến rũ được người tiêu dùng Việt bằng khả năng vận hành tương đương xe có dung tích động cơ từ 110-125cc cùng hệ sinh thái tương tự VinFast.
Các ông lớn như Honda, Piaggio, Yamaha với danh tiếng đã có được từ thị trường xe máy chạy xăng chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, các động thái rõ nhất ở thời điểm này mới chỉ dừng lại ở phiên bản lai điện (hybrid) với PCX của Honda, Grande của Yamaha hay một mẫu xe sắp ra mắt của Piaggio.
Điều đó đang mở ra viễn cảnh "thay máu" thị trường xe máy Việt Nam nói chung và xe máy điện nói riêng. Những bước chuẩn bị dẫu có muộn màng nhưng rất có thể lặp lại lịch sử của vài chục năm về trước khi người tiêu dùng dần quen với khái niệm xe máy điện, những sản phẩm chính hãng sẽ có chỗ đứng và lấn át các dòng xe trôi nổi, kém chất lượng.