Cụ thể, nhằm đảm bảo chất lượng nước uống, nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân, trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước hộ gia đình, bể chứa trung gian, chất lượng nước tại 100% bể bơi, khu vui chơi dưới nước có hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế hơn 1.000m3/ngày đêm với tần suất tối thiểu 2 lần/năm; Kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm, tối thiểu 1 lần/năm.
Đặc biệt, Sở Y tế cũng đẩy mạnh thanh tra định kỳ và đột xuất vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước, khu chung cư, chung cư độc lập trên địa bàn thành phố; Kiểm tra tình trạng vệ sinh, chất lượng nước tại các bể chứa nước tại các trạm bơm tăng áp, nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, mỗi trạm bơm tăng áp, khu chung cư hoặc chung cư độc lập, tối thiểu kiểm tra 1 lần/năm.
Hiện toàn thành phố có 144 cơ sở cấp nước tập trung hoạt động ổn định, cung cấp cho khoảng 67% hộ dân Thủ đô; 33,1% hộ gia đình còn lại sử dụng nguồn nước tự khai thác, tập trung tại khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn có 235 đơn vị có bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dịch vụ.
Trước đó, cuối tháng 12/2017, theo phản ánh của cư dân tòa thuộc tổ hợp chung cư Mulberry Lane (Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông) do Công ty TNHH CapitaLand Hoàng Thành (CapitaLand Hoàng Thành) làm chủ đầu tư, từ khi bàn giao dự án đến nay đã hơn 3 năm, nhưng vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm vẫn chưa được chủ đầu tư xử lý.
Theo phản ánh của cư dân sống tại chung cư này, hơn 3 năm kể từ khi dự án đi vào sử dụng vấn đề chất lượng nước sinh hoạt liên tục được cư dân phản ánh nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Càng ngày tình trạng nước bẩn, thiếu nước sinh hoạt càng trầm trọng hơn.
Nguồn nước tại khu chung cư Mulberry Lane bị ô nhiễm rất nặng. Nước có màu vàng, đen, nhiều cặn, mùi tanh là chuyện không hiếm. Thậm chí nước trong két xả bồn cầu đen kịt một cách bất thường, nước đóng những lớp cặn dày, đen sì như nhựa đường.
Để tự bảo vệ sức khỏe gia đình mình nhiều hộ dân tại đây đã phải tự lắp đặt hệ thống lọc nước riêng để lấy nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết đây không phải là phương án lâu dài bởi chất lượng nước quá bẩn gây tắc hệ thống lọc nên các hộ dân thường xuyên phải gọi nhân viên đến bảo dưỡng hệ thống lọc.
Tương tự, hồi tháng 4/2017, cư dân tại hàng loạt chung cư Hà Nội cũng lên tiếng kêu cứu về chất lượng nước sinh hoạt.
Cụ thể, hàng trăm hộ dân 4 tòa chung cư tại khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội) đã vô cùng lo lắng khi nước sinh hoạt nhiều tháng nay lúc thì ngả màu vàng, khi thì đen xì và lúc trong hơn nhưng lại có cả giun, bọ bơi tung tăng. Tình trạng này xảy ra tại các tòa CT5, CT6, CT15 và CT16 nằm tại khu đô thị Tứ Hiệp do Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí làm chủ đầu tư.
Tại chung cư NƠ 7B bán đảo Linh Đàm, người dân cũng phản ánh ngày 1/3/2017, khi nấu nướng là người phát hiện ra mùi hôi thối từ nước bốc lên, sau đó báo cho bảo vệ để thông báo đến tất cả các hộ dân dừng không dùng nước nữa. Sau khi cùng đơn vị quản lý kiểm tra bể nước sinh hoạt mới phát hiện bể bị nứt nên đã bị ngấm nước của bể phốt bên cạnh sang. Khắc phục tạm bằng cách trát vá các vết nứt nhưng nước bên ngoài vẫn tiếp tục ngấm chảy vào bể…
Chính vì vậy, thông tin Sở Y tế Hà Nội sẽ vào cuộc thanh kiểm tra 100% bể nước sinh hoạt nhà chung cư ở Hà Nội đã khiến người dân sống trong chung cư tại Hà Nội rất phấn khởi. Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng, tới đây, người dân sống trong chung cư tại Hà Nội sẽ được yên tâm sử dụng nguồn nước sạch, đúng như quyền lợi và nghĩa vụ đóng tiền sử dụng nước sạch của họ.