Tiếp vốn cho nông dân nuôi cá VietGAP
Xã Đại Lâm (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) hiện có 165ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 40ha, qua đó giúp hơn 20 gia đình hội viên nông dân có thu nhập cao. Trên địa bàn xã có 6 gia đình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ vay mỗi hộ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư guồng đảo nước, hệ thống cho ăn tự động.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND nhiều hội viên nông dân xã Đại Lâm đã đầu tư nuôi cá VietGAP. Ảnh: B.G
Là một trong những hộ vay vốn Quỹ HTND đầu tư nuôi cá VietGAP, anh Vũ Văn Trọng - hội viên nông dân xã Đại Lâm cho biết, từ nguồn vốn vay Quỹ HTND và tiền tích lũy, anh mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp hệ thống ao nuôi, lắp đặt hệ thống thiết bị chăn nuôi thủy sản hiện đại. Ngay vụ đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá thâm canh, gia đình anh Trọng thu về 13 tấn cá các loại như rô phi đơn tính, trắm, chép lai. Hiện trung bình mỗi vụ từ bán cá thương phẩm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Năm 2019, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Giang Tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ và sử dụng Quỹ HTND cho trên 1.500 lượt người Trên 500 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 55.000 lượt người |
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch Hội ND huyện Lạng Giang cho biết, những năm gần đây, đơn vị đã chỉ đạo các chi hội cơ sở tập trung mọi nguồn lực xây dựng Quỹ HTND. Nhờ vậy hàng năm, Quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện đều tăng từ 200 - 300 triệu đồng. Thời điểm này, tổng nguồn quỹ của huyện hơn 5,7 tỷ đồng. Nhiều xã xây dựng được quỹ với số kinh phí lớn, điển hình như: Hương Lạc, Tân Hưng, Quang Thịnh, An Hà...
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Lạng Giang: Nhằm tạo thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn, Hội ND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết theo hình thức tổ hợp, câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi hội nghề nghiệp.
Đặc biệt, hội viên nông dân vay vốn Quỹ HTND không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, chỉ cần lập dự án sản xuất kinh doanh khả thi. Sau khi thẩm định, các cấp Hội trực tiếp giải ngân vốn. Nhờ vậy, hội viên có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư phát triển kinh tế.
Gần 1.500 hộ vay vốn Quỹ HTND
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Bắc Giang, đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 49 tỷ đồng, cho gần 1.500 hộ vay, thực hiện tại 310 dự án. Cụ thể, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác trên 15 tỷ đồng cho 335 hộ vay thực hiện 30 dự án, bình quân mỗi dự án đạt 500 triệu đồng, mỗi hộ vay đạt 45 triệu đồng. Tỷ lệ đầu tư dự án trồng trọt đạt 60%, chăn nuôi trên 23%, thủy sản chiếm 16,7%.
Cùng với hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội còn luôn chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm giúp hội viên, nông dân nắm được những kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay. Chỉ tính riêng năm 2019, các cấp Hội đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ và sử dụng Quỹ HTND cho trên 1.500 lượt người; trên 500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 55.000 lượt người.
Nhằm tạo thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn, Hội ND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn cho vay theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh liên kết theo hình thức tổ hợp, câu lạc bộ sản xuất, trang trại, chi hội nghề nghiệp. |
Từ nguồn vốn vay kết hợp với kiến thức khoa học, kỹ thuật được trang bị, nhiều hộ vay đã triển khai thành công các dự án. Một số dự án mang lại hiệu quả như: Dự án trồng dưa áp dụng công nghệ cao tại xã Thường Thắng; Dự án chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn); các dự án trồng cam tại các xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải (huyện Lục Ngạn); dự án nuôi trồng thủy sản tại các xã Đại Lâm (huyện Lạng Giang),…
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, hiệu quả kinh tế đạt được rất rõ nét vì đã góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Song song với đó, cơ cấu lao động cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn. Các hộ cũng đã biết tự liên kết với nhau để trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, có nhiều hộ đã vươn lên khấm khá, giàu có”.