Năm 2021 ô tô sản xuất, lắp ráp đạt 299.800 xe, tăng 9,1% so với năm 2020. Tuy nhiên, so với thời điểm 2016 sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 283.300 xe thì công nghiệp ô tô Việt Nam gần như dẫm chân tại chỗ.
Dẫm chân tại chỗ
Theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của các DN thành viên năm 2021 đạt 304.149 xe các loại. Nếu cộng cả doanh số bán của TC Motor với 70.518 xe và VinFast với 35.723 xe, thị trường đạt 410.390 xe. Đấy là chưa kể doanh số bán của một loạt thương hiệu khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo và một số DN xe thương mại không công bố, ước tín quy mô thị trường ô tô Việt Nam đạt 450.000 xe năm 2021.
Với quy mô này, Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan, Malaisia.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2021 đạt 299.800 xe, tăng 9,1% so với năm 2020. Tuy nhiên, so với thời điểm 2016 (năm cuối cùng ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam chịu thuế suất thuế nhập khẩu mức 30%), sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 283.300 xe, thì công nghiệp ô tô Việt Nam gần như dẫm chân tại chỗ sau 5 năm. Cho dù có thêm DN mới gia nhập thị trường là Vinfast và một số DN như Trường Hải, Ford, TC Motor nâng công suất nhà máy.
Công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn, có đóng góp lớn vào GDP. |
Ngược lại, xe nhập khẩu đang tăng nhanh. Theo VAMA, năm 2021 các DN thành viên tiêu thụ tổng cộng 168.357 xe lắp ráp trong nước, giảm 10%, thì tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 135.792 chiếc, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, nếu cộng cả doanh số bán của TC Motor và Vinfast thì xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn gấp 2 lần xe nhập khẩu, nhưng khoảng cách này đang ngày càng bị thu hẹp. Ước tính năm 2021, tổng số xe nhập khẩu vào khoảng 160.000 chiếc các loại, cao hơn 105.000 xe của năm 2020 và 140.301 xe của năm 2019 - thời điểm dịch Covid-19 chưa xuất hiện.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, nhận định, nền kinh tế đang phục hồi và dự báo năm 2022, thị trường ô tô sẽ đạt mốc 500.000 chiếc/năm. Quy mô này là dấu mốc rất quan trọng, nó chứng tỏ thị trường không còn nhỏ nữa.
Tuy nhiên, quy mô thị trường ô tô tăng nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa chắc được hưởng lợi. Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết tháng 5/2022 nên vẫn có lợi thế so với xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, khó khăn sẽ đến khi hết ưu đãi. Hiện trong 10 mẫu xe bán chạy nhất 2021, vẫn có tới 8 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước. Nhưng sản lượng lại giảm. Mẫu xe Toyota Vios nhiều năm dẫn đầu thị trường với doanh số bán từ 27.000-30.000 xe/năm, nay giảm mạnh còn 19.931 xe. Mẫu Hyundai Accent năm 2020 đạt doanh số trên 22.000 xe, nay chỉ còn gần 20.000 xe. Vinfast Fadil năm nay đạt doanh số cao dẫn đầu thị trường với hơn 24.000 xe, nhưng từ 2022 sẽ không còn sản xuất nữa.
Trụ cột quan trọng nhất là phân khúc xe hạng A và hạng B, nhưng doanh số thụt lùi, biểu hiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi xuống.
Mũi nhọn yếu thế
Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng do dịch bệnh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được cho là yếu thế trong khi thị trường ngày càng mở và cạnh tranh mạnh mẽ. Với 299.800 xe sản xuất lắp ráp trong nước, con số này chỉ bằng một nửa tổng công suất các nhà máy ô tô tại Việt Nam một năm. Với khoảng 40 mẫu xe các loại đang sản xuất lắp ráp, tổng sản lượng trên là rất thấp. Tính bình quân chỉ khoảng 7.000 xe/mẫu/năm.
Trong khi đó, để ngành công nghiệp ô tô phát triển, một mẫu xe cần đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm. Các chuyên gia cho rằng, những chính sách ưu đãi với ngành ô tô không đủ hấp dẫn.
Dự báo năm 2022 thị trường ô tô sẽ đạt mốc 500.000 chiếc/năm. |
Thực tế cho thấy, năm 2020 chỉ cần giảm 50% lệ phí trước bạ, cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ 28/6 đến hết 31/12/2020, doanh số bán lập tức tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Giảm phí trước bạ giúp nhiều người có điều kiện mua ô tô, DN tăng được sản lượng, Nhà nước tăng thu hơn 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác, như nhận định của Bộ Tài chính.
Công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn, có đóng góp lớn vào GDP nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể chiếm 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan,... Bên cạnh đó, đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm, chính vì vậy nên luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía các Chính phủ.
Quốc hội đã thông qua “Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” do Chính phủ xây dựng. Theo đó, sẽ giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng trong đó có ô tô, ước tính sẽ làm cho giá xe giảm khoảng 2% trong 2 năm 2022-2023. Đây là lợi thế với ô tô nhập khẩu.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, sản xuất xe ở Thái Lan đã vượt mốc 1,6 triệu chiếc trong năm 2021, trong đó xuất khẩu hơn 900.000 xe. Indonesia năm 2021 cũng đạt sản lượng hơn 1 triệu xe, xuất khẩu hơn 200.000 xe.
Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc là ba cái tên dẫn đầu về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Trong đó, Thái Lan đạt hơn 80.000 xe, Indonesia đạt gần 50.000 xe, và Trung Quốc đạt 20.000 xe trong năm 2021. Thái Lan đang phấn đấu nâng sản lượng ô tô lên 1,8 triệu xe vào 2022, trong đó xuất khẩu hơn 1 triệu xe. Indonesia cũng cho biết sẽ nâng sản lượng lên 1,2-1,3 triệu xe, tiêu thụ trong nước khoảng 900.000 xe còn lại là xuất khẩu.
Bộ Công thương dự báo, đến năm 2025 nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800.000 xe/năm. Tuy nhiên, công nghiệp ô tô yếu thế khó được hưởng lợi và thị trường lớn sẽ dành cho xe nhập khẩu. Để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô, cũng như cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân, các DN kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống các chính sách khuyến khích ưu đãi sản xuất trong nước thật hấp dẫn và mang tính dài hạn.
Trần Thủy