Nhìn vào mức độ tiêu thụ, có thể thấy người Việt vẫn còn e ngại với ô tô điện. Giá cao không phải là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ hạn chế, mà là quan ngại về vận hành cũng như hạ tầng.
Người Việt e ngại
Công ty ô tô VinFast công bố đã nghiên cứu phát triển thành công 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, sở hữu tính năng tự hành. Dự kiến, mẫu VF31 phiên bản tiêu chuẩn bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 5/2021, bàn giao xe từ tháng 11/2021; mẫu VF32 và VF33 sẽ nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 9/2021, bàn giao xe từ tháng 2/2022.
Thị trường xe điện Việt Nam đã manh nha từ vài năm trước. Với sự tham gia của VinFast, chắc chắn sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.
Theo các cơ quan chức năng, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam đang tăng nhanh. Đến thời điểm 2025 sẽ đạt khoảng 800.000 xe/năm và 2030 đạt hơn1 triệu xe/năm. Số lượng ô tô tăng nhanh dẫn tới hệ lụy là lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển ô tô điện sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.
VinFast đã nghiên cứu phát triển thành công 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên |
Nhưng nhìn vào mức độ tiêu thụ, có thể thấy tâm lý người Việt vẫn còn e ngại với xe điện. Từ 3 năm trước, Mitsubishi Việt Nam đã thử nghiệm 2 mẫu xe iMIEV và Outlander PHEV. iMIEV là mẫu xe hoàn toàn sử dụng điện; còn mẫu Outlander PHEV là ô tô điện lai xăng, khi sạc đầy pin, chiếc xe này có thể đi được 60km, không sử dụng chút xăng nào. Nhưng xe bán không được.
Còn Porsche Việt Nam vào tháng 10/2020 đã phân phối mẫu Taycan điện, với 3 phiên bản gồm Taycan 4S, Turbo và Turbo S, song đến hết năm cũng chỉ thấy nhập khẩu có 2 chiếc, xuất hiện tại lễ ra mắt.
Một thương hiệu khác là Fuso (thuộc tập đoàn Diamler - Đức) từng ôm ấp kế hoạch đưa xe tải nhẹ chạy điện vào Việt Nam từ 2019 đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Theo nghiên cứu của Công ty Frost & Sullivan, tại các nước khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines, giá cao không phải là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ ô tô điện bị hạn chế, mà là sự quan ngại của người tiêu dùng về vận hành cũng như hạ tầng.
Theo các doanh nghiệp, giá ô tô điện cao hơn ô tô xăng tương tự khoảng 27% nhưng chi phí vận hành thấp hơn khoảng 25%. Tính ra, tổng số tiền chi cho một chiếc xe điện ngang bằng xe xăng sau 5 năm hoạt động. Vì vậy, mua xe điện cũng không phải là vấn đề với nhiều người.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, hạn chế nhất của xe điện hiện nay là chưa thể đi xa được. Các mẫu xe tốt nhất chỉ đi khoảng 400 km là phải dừng lại, trong khi thời gian nạp pin rất lâu. Một trong những cấu phần quan trọng nhất của ô tô điện là bộ pin trữ năng lượng. Toàn bộ các xe điện đều sử dụng công nghệ pin Lithium, hay còn gọi là pin thể lỏng. Tuy nhiên, khả năng lưu trữ năng lượng của các loại pin này được cho là đã tới hạn. Nếu muốn tăng dung lượng chứa, khối lượng của pin đòi hỏi lớn hơn, dẫn tới chi phí cao và khả năng vận hành kém.
Nhìn chung, kỹ thuật pin hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu về quãng đường và tối ưu chi phí mà thị trường đặt ra cho xe điện. Trong khi đó, các loại pin lỏng đang được sử dụng có nguy cơ cháy nổ rất cao. Để ô tô điện có thể thương mại hóa thành công và trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, bộ pin cần phải tăng năng lượng, chạy được quãng đường dài hơn trong mỗi lần sạc, thời gian sạc nhanh hơn, có giá thành thấp, ông Đồng nói.
Khi công nghệ pin chưa đáp ứng được thì đòi hỏi hạ tầng phải phát triển. Phải có nhiều trạm sạc nhanh ở mọi nơi. Điều này cũng chưa thành hiện thực. Vì vậy, ô tô điện vẫn chưa thể bước vào thời kỳ bùng nổ. Nó vẫn chỉ là chiếc xe dùng để di chuyển trên những quãng đường ngắn.
Vừa đi vừa lo
Một doanh nghiệp tại Hà Nội cho hay, đầu năm 2018 đã sang Mỹ tìm hiểu và có ý định nhập khẩu mẫu Tesla Model 3 về phân phối. Tính toán cho thấy, với giá khởi điểm 35.000 USD, cộng thêm thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và thuế giá trị gia tăng 10% cùng các chi phí khác và lợi nhuận sẽ có giá bán khoảng 2 tỷ đồng. Mức giá này không cao hơn nhiều so với một số mẫu xe sang chạy xăng cùng phân khúc, nhập khẩu nguyên chiếc.
Vấn đề là hạ tầng phục vụ cho ô tô điện ở Việt Nam chưa phát triển, thiếu các trạm sạc. Vì thế, sau khi khảo sát thấy khó bán đã từ bỏ ý định.
Cũng theo doanh nghiệp này, ước tính chiếc Tesla 3 chạy quãng đường từ Hà Nội đến Vinh khoảng 300km thì hết điện. Do trên đường đi không có trạm sạc nhanh nào nên lái xe phải rất tiết kiệm, có thể không sử dụng điều hòa, giữ dải tốc độ ổn định, không vọt ga, phanh gấp,... Chẳng may gặp tắc đường, lại không thể tắt máy, thì có nguy cơ không đi hết lộ trình. Nếu dừng lại sạc pin tại một quán cafe hay nhà hàng, bằng bộ sạc mang theo xe thì phải mất hơn 8 tiếng mới đầy. Như vậy, thời gian di chuyển sẽ kéo dài, chẳng ai muốn lái ô tô điện, cứ xe xăng mà chạy cho thoải mái, không phải lo nghĩ gì.
Các doanh nghiệp muốn bán được xe điện tại Việt Nam đã tính đến việc phát triển hạ tầng. VinFast hợp tác với các công ty bán lẻ xăng dầu và một số thành phố lớn để phát triển hệ thống trạm sạc cho xe điện. Theo kế hoạch, các trạm sạc sẽ được bố trí tại các bãi đỗ xe, cửa hàng tiện ích, hầm các tòa nhà chung cư cao tầng, các trường học, ký túc xá, cây xăng,... khách hàng chỉ cần khoảng thời gian ngắn từ 15 đến 30 phút để sạc đầy pin cho xe.
Porsche Việt Nam, trước khi nhập xe điện Taycan về phân phối, đã xây dựng 2 trạm sạc nhanh tại TP.HCM và Hà Nội. Trạm này có thể giúp sạc đầy 80% dung lượng pin trong vòng 22,5 phút. Trước đó, Mitsubishi Việt Nam cũng đầu tư một số trạm sạc tại Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội...
Mới đây, Trung tâm thương mại Aeon Lê Chân Hải Phòng đã đầu tư trạm sạc cho ô tô điện, có thể đi thêm quãng đường 100 km chỉ trong vòng 25 phút sạc. Tuy nhiên, đến nay những trạm sạc như này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc triển khai các trạm sạc trên diện rộng không phải là chuyện đơn giản bởi chi phí khá cao, là thách thức lớn với các doanh nghiệp. Theo tính toán, đầu tư 1 trạm sạc hết khoảng 80.000 USD, đây là khoản chi phí rất lớn, nếu muốn phát triển rộng rãi hạ tầng xe điện. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa thống nhất về việc triển khai hạ tầng sạc trên quy mô toàn quốc, với những quy chuẩn rõ ràng về kỹ thuật, trong đó, các nhà sản xuất cần có sự hợp tác và chia sẻ.
Giải quyết được bài toán cấp năng lượng, thì xe điện mới bùng nổ ở Việt Nam
Trần Thủy