Mức độ ảnh hưởng của ngành ô tô lên sức khỏe kinh tế thế giới lớn hơn rất nhiều so với những gì có thể tưởng tượng được khi nhìn vào tỷ trọng đóng góp của ngành này vào GDP toàn cầu. Đơn giản là bởi vì các nhà sản xuất ô tô có chuỗi cung ứng quá sâu rộng; ngành này cũng là khách hàng lớn của các ngành hóa chất, nguyên vật liệu thô, điện tử; và sức khỏe của ngành ô tô ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm trong khu vực dịch vụ, từ các đại lý bán xe đến các cửa hàng sửa chữa và bảo dưỡng.
Năm ngoái, ngành ô tô đã suy giảm lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2008. Số xe bán ra trong năm 2018 giảm khoảng 3%, và sản lượng sản xuất cũng giảm 2,4%.
IMF tin rằng sự suy giảm này chiếm tới hơn 25% sự suy giảm của kinh tế toàn cầu và gần 30% sự suy giảm trong tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 2 năm 2017 và 2018. Ngành ô tô đang đè nặng lên hoạt động sản xuất và cả tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới.
IMF dự báo rằng hoạt động thương mại toàn cầu khởi sắc nhẹ vào năm 2020 sẽ giúp ngành ô tô hồi phục chút ít. Tuy nhiên, IMF cũng nhấn mạnh những thiệt hại có thể giáng xuống nếu như ngành ô tô trở thành nạn nhân của 1 cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU. Nhà Trắng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu từ EU vào ngày 13/11 tới.
Một số lãnh đạo ngành ô tô đã đổ lỗi cho chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là sự suy giảm mạnh của thị trường Trung Quốc – nơi đóng vai trò là động lực chính tạo ra tăng trưởng doanh số cho các công ty ô tô. Tuy nhiên, theo IMF, vì ngành ô tô vẫn chưa trở thành mục tiêu trực tiếp mà Mỹ chọn để tấn công, nguyên nhân chính khiến ngành này lao đao là do Trung Quốc đã thay đổi chính sách (dừng ưu đãi thuế và siết chặt cho vay ngang hàng), cộng với việc châu Âu thay đổi chính sách về khí thải.
Ở rất nhiều nước, người tiêu dùng đang tạm hoãn mua xe vì các tiêu chuẩn khí thải thay đổi khá nhanh, đồng thời họ ngày càng có nhiều lựa chọn khi muốn sử dụng dịch vụ chia sẻ xe.
Vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn nếu như ngành ô tô trở thành nạn nhân của cuộc chiến thuế quan trả đũa. Với chuỗi cung ứng phủ khắp các nước và hệ thống sản xuất tức thời (just-in-time), ngành ô tô đặc biệt nhạy cảm với các rào cản thuế quan.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tháng trước đã trả lời phỏng vấn của Financial Times rằng Washington muốn theo đuổi đàm phán thương mại với EU chứ không phải áp thuế ô tô khi thời gian tạm hoãn 6 tháng kết thúc vào giữa tháng này. Tuy nhiên, nguy cơ áp thuế vẫn còn rất lớn.
Nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Peterson cho rằng nếu Mỹ áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu từ tất cả các nước, ngành ô tô của Mỹ sẽ thu hẹp 1,5%, 195.000 lao động sẽ mất việc làm. Nếu các nước khác trả đũa, 624.000 việc làm sẽ mất đi.