Phải dán cố định
Theo Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đầu tháng 7, đơn vị nhận được thư của Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) về việc kích hoạt toàn diện hệ thống nhận dạng biển số xe điện tử khi qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Theo phía Trung Quốc giải thích, việc dán biển số điện tử cho ô tô vào Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, phục vụ sự phát triển thương mại Trung - Việt.
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó trưởng Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, sau khi nhận được thư phía Trung Quốc, đơn vị đã chủ động tổ chức họp với các cơ quan liên quan, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và đại diện các DN XNK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đồng thời tổ chức trao đổi với Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường về việc triển khai thực hiện việc kích hoạt toàn diện hệ thống nhận dạng biển số xe điện tử.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường yêu cầu, biển điện tử phải dán chặt, cố định vào kính phía trước đầu xe để thuận tiện cho hệ thống điện tử chụp nhận biết biển xe, áp dụng tại cửa khẩu cũng như khi di chuyển trên đường cao tốc phía Trung Quốc. Hệ thống điện tử có thể chụp tự động tại vị trí đã được cố định trên kính xe. Việc dán chặt biển lên kính xe còn để tránh trường hợp tài xế di dời, đánh tráo biển số của các xe với nhau gây sai lệch thông tin xe.Qua trao đổi, đại diện Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường cho biết, mục đích của việc kích hoạt hệ thống biển số xe điện tử sẽ thấy thế hệ thống nhận dạng biển số xe quang học đang được sử dụng, áp dụng kỹ thuật nhận dạng qua tần số vô tuyến (FRIS), nâng hiệu suất nhận dạng biển số xe cao nhất là 95% ở hiện tại tăng đến 100%. Hiện tại, biển điện tử chỉ áp dụng tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, chưa triển khai tại các cửa khẩu khác của Trung Quốc. Tại các cửa khẩu khác, xe thông quan bình thường theo hình thức cũ.
Theo đó, lái xe chỉ cần chuẩn bị giấy phép lái xe đến Trung tâm cấp thẻ tại cổng kiểm soát số 1 của Khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường để làm hồ sơ cấp nhãn biển số xe điện tử, số xe ghi trên hồ sơ và biển số xe phải đồng nhất; Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường cũng khuyến nghị tài xế không tùy ý tháo gỡ biển số sẽ bị hư hỏng, khó khăn trong việc nhận dạng.
Ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, hiện nay, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mỗi ngày có khoảng 150 - 200 xe qua lại cửa khẩu thủ tục. Nếu thời gian tới, phía Việt Nam (Lạng Sơn) đồng ý thực hiện kế hoạch nhận dạng biển số xe điện tử thì sẽ rất thuận lợi cho các DN XNK, đặc biệt sẽ giảm thời gian, chi phí, đi lại cho lái xe khi vận chuyển. Bởi thực chất đây là phương án nhằm giảm thủ tục ở các khâu và tạo thuận lợi hơn khi lái xe không phải lên xuống thực hiện các thủ tục liên quan.
Phía Trung Quốc cũng khuyến khích lái xe đến làm thủ tục cấp biển số điện tử vì lần đầu sẽ được cấp miễn phí và việc dán biển số xe điện tử do nhân viên kỹ thuật của Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường thực hiện, thời gian thực hiện chỉ khoảng 5 phút.
Được biết, hiện Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường đã xây dựng hệ thống biển số ô tô điện tử tại cổng kiểm soát số 1 (cổng Việt Nam) và cổng kiểm soát số 2 (cổng Trung Quốc) cửa khẩu Hữu Nghị Quan vào cuối tháng 6/2019. Hiện các phương tiện phía Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc lắp biển điện tử và đề nghị phía Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phối hợp thực hiện.
Lo bảo mật, an ninh
Trước đề nghị của phía Trung Quốc, Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho rằng, với đặc thù là cặp cửa khẩu quốc tế nên lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, việc áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý phương tiện là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan là cần thiết.
Tuy nhiên, phương tiện qua lại cửa khẩu rất đa dạng. Trong đó một số phương tiện qua địa phận các quốc gia khác như Lào, Thái Lan rồi mới qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Có những ô tô không thường xuyên vận chuyển hàng hóa XNK qua Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nói riêng. Vì vậy, việc dán cố định biển số điện tử sẽ có khó khăn khi thực hiện và cần có lộ trình để tuyên truyền, vận động thực hiện.
Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn kiểm định về việc dán biển số điện tử có ảnh hưởng đến việc thu phí không dừng, việc vận hành của thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Điều 14 Nghị định 84/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hay không.Cũng theo ông Tuệ, biển số xe điện tử phải dán chặt cố định vào kính phía trước đầu xe để thuận tiện cho việc hệ thống điện tử chụp nhận biết biển xe, áp dụng tại cửa khẩu cũng như di chuyển trên đường cao tốc phía Trung Quốc, tuy nhiên, khi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam và một số nước khác, việc chụp nhận biết khi di chuyển của các phương tiện có thể liên quan đến vấn đề bảo mật, an ninh theo quy định của mỗi quốc gia.
Cũng theo ông Tuệ, tại cuộc trao đổi với Ban quản lý Khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường vào ngày 24/7, Ban quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã đề xuất phía Trung Quốc xem xét áp dụng việc không dán cố định thẻ nhận dạng tại 1 địa điểm như hiện nay mà thực hiện trên tấm rời, có thể tháo ra được... khi đến gần khu vực kiểm tra, soi chiếu chỉ cần đưa ra trước kính chắn gió để nhận dạng. Tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được đồng thuận từ phía Trung Quốc.
Từ kiến nghị của phía Trung Quốc, Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đề xuất, UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý chủ trương áp dụng biển số xe điện tử theo đề nghị của Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường. Tuy nhiên, việc áp dụng cần lộ trình thực hiện cụ thể, trước mắt đến hết năm 2019, đề nghị Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường vẫn thực hiện việc nhận dạng biển số xe như hiện nay.
Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan đề nghị của Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường về các vấn đề liên quan.