Nguyên nhân khiến các cửa hàng xe cũ phải giảm giá là bởi sức mua sụt giảm mạnh từ tháng 8-2023 đến nay do thủ tục định danh xe chính chủ khá phức tạp, đẩy tồn kho tăng cao. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ trong tháng Tết năm nay không tăng như kỳ vọng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ông Tạ Công Tiên, chủ Chợ Xe Kiểu Mỹ (quận Bình Tân, TP HCM), ngao ngán khi cả tháng 11-2023 không bán được chiếc ô tô cũ nào; tháng 12-2023 tiêu thụ được 15 chiếc và đã đến cuối tháng 1-2024 nhưng mới bán được vỏn vẹn 4 chiếc. Tương tự, hệ thống Ô tô Hiền (TP HCM) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm nên bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống này, cũng phải giảm giá 50 - 100 triệu đồng/chiếc, thậm chí giảm đến 200 triệu đồng/chiếc đối với những mẫu không được thị trường ưa chuộng.
Để đẩy nhanh hàng tồn, nhiều chủ cửa hàng xe cũ không chỉ "cắn răng" giảm giá mà gần đây còn phải liên hệ, kết nối với một số ngân hàng để triển khai chương trình cho vay trả góp để đẩy nhanh hàng tồn. Trước đây, chương trình này chỉ áp dụng với xe máy, ô tô mới với giá trị lớn.
"Năm rồi làm ăn khó khăn nên khi bỏ ra vài triệu đồng mua chiếc xe máy cũ , khách cũng đắn đo. Trước đây, giá xe máy cũ chỉ giảm nhiều lắm là vài trăm ngàn đồng, giờ có khi giảm đến cả triệu đồng cũng không có khách mua. Từ khi áp dụng cho vay trả góp từ vài tuần trở lại đây, khách bắt đầu mua nhiều hơn, dẫu vẫn chưa đáng kể" - anh Lưu Minh Khắc, chủ cửa hàng xe máy cũ trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho hay.
Một số cửa hàng thậm chí còn tạo điều kiện đặc biệt cho khách bằng cách cho vay trả góp trực tiếp với chủ cửa hàng, không cần thông qua ngân hàng để tiết kiệm thời gian làm thủ tục và "né" được lãi suất cho vay. "Với những khách vay lãi suất 0%, bao gồm cả vay trực tiếp với cửa hàng hoặc thông qua bên thứ 3 là ngân hàng, chúng tôi đều yêu cầu khách chấp nhận mua xe với giá cao hơn so với thanh toán 1 lần hoặc trả góp có lãi suất. Mức giá cao hơn khoảng 10% - 15%" - chủ một cửa hàng ô tô, xe máy cũ ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Đạt, chủ cửa hàng xe máy cũ ở quận Tân Bình (TP HCM), trước đây không có chuyện cửa hàng niêm yết công khai giá xe cũ mà chủ yếu ra giá theo thị trường hoặc theo thỏa thuận riêng với từng khách hàng. Thế nhưng, gần đây, cửa hàng của ông phải niêm yết giá rõ ràng để khách tham khảo trước khi quyết định mua. "Với việc niêm yết giá công khai, khách không ngại vào mua, còn nếu không biết thông tin giá cả thì họ có tâm lý e dè hơn" - ông Đạt nói.
Nhiều cửa hàng ô tô cũ chấp nhận cho khách mua trả góp 6 - 12 tháng đối với cả những mẫu xe đời cũ, mẫu không được chuộng, bị mất giá nhanh. Cửa hàng đứng ra bảo lãnh nên thủ tục trả góp rất đơn giản, thực hiện nhanh chóng. Thậm chí, với khách không muốn mua xe trả góp nhưng chưa đủ tiền trả ngay 1 lần, cửa hàng sẵn sàng cho khách nợ tiền 10% - 40% không tính lãi trong vòng 1 - 2 tháng.
Cẩn trọng bẫy cho vay nặng lãi
Nắm bắt nhu cầu khách kẹt tiền nhưng ngại làm thủ tục trả góp qua ngân hàng vì mất nhiều thời gian xét duyệt hồ sơ, "đội quân" cho vay nặng lãi những ngày này tăng cường tiếp cận khách ở một số cửa hàng. Những lời mời gọi thường là cho vay 100%, "bao" thủ tục... nhưng lãi suất lên đến hàng chục %/năm. "Nếu không cảnh giác, khách dễ rơi vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, trả không xuể. Tốt nhất vẫn là vay trả góp thông qua đại lý và ngân hàng để giảm thiểu rủi ro" - chủ một cửa hàng xe cũ ở TP HCM khuyến cáo.