Nhiều mô hình nổi bật
Ông Trần Văn Hợi (ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn), nổi lên là một trong những người tiên phong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt ở đất Cố đô. Ông Hợi cho hay: “Kỹ thuật điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách cắt cành đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá, nhờ vậy mà gia đình tôi và nhiều nông dân ở xã Gia Hòa khấm khá lên nhờ trồng na”.
Nghề nuôi dê đặc sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Ảnh: Hải Đăng
Gia đình ông Hợi đang sở hữu vườn na hơn 3ha với tổng số 2.000 gốc. Một năm ông thu 2 lứa quả, lứa 1 vào tháng 6, tháng 7 âm lịch, sản lượng khoảng 7 tấn; lứa thứ 2 thu vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, sản lượng ít hơn, chừng 3 tấn, tuy nhiên giá lúc này cao gấp 1,5-2 lần lúc chính vụ, khoảng 40.000 -60.000 đồng/kg.
Gia đình anh Nguyễn Trung Kiên (ở phố Tân Mỹ, Thị trấn Me, Gia Viễn) cũng đang rất thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Với diện tích trên 2ha anh chia làm 4 ao nuôi, 2 ao nuôi cá giống, 2 ao nuôi cá thịt. Hai ao nuôi cá thịt mỗi năm cho thu hoạch 2 lần với trên 20 tấn cá các loại, giúp anh Kiên thu khoảng 1 tỷ đồng. Hai ao cá giống anh cung cấp chủ yếu cho ao nhà và hội viên trong phố với số lượng hơn 3 tấn mỗi năm, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Kiên thu nhập hơn 300 triệu đồng từ việc nuôi cá. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi gia cầm
Thấy mô hình của nhà anh Kiên làm ăn hiệu quả, một số hộ trong thị trấn đã mạnh dạn thầu lại những diện tích bỏ hoang không cấy lúa để làm mô hình cá - lúa và đều thu được kết quả tốt. Các hộ mới làm đều đến anh để học hỏi kinh nghiệm, anh luôn sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ...
Thu hút doanh nghiệp vào đầu tư
Ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Đến nay, bằng các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp, Gia Viễn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Cụ thể, làm mới 2.358 tuyến đường, tổng chiều dài gần 197km; kiên cố hóa 105 tuyến kênh mương (dài 94km), xây mới và nâng cấp 16 trạm bơm...
Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện cũng chú ý đến chất lượng và chiều sâu các tiêu chí. “Ngay từ đầu làm NTM, Gia Viễn đã xác định khi xây dựng NTM phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” - ông Hùng khẳng định.
Theo đó, công tác thu hút đầu tư luôn được huyện quan tâm chỉ đạo tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp Gia Vân, Gia Phú và Gia Lập. Đến nay, huyện đã có 47 cơ sở sản xuất công nghiệp, 1.257 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 3.450 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân từ 3- 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng theo ông Hùng, đến nay, toàn huyện đã có 14/20 xã đã được UBND huyện phê duyệt phương án dồn điền, đổi thửa và hoàn thành việc giao ruộng ngoài thực địa. Cũng nhờ làm tốt công tác này mà Gia Viễn đã chuyển đổi 120ha đất, hình thành những vùng sản xuất 4 vụ/năm, mang lại giá trị kinh tế trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.
Hiện, hàng năm tổng sản lượng ngành thủy sản của Gia Viễn đạt trên 5.000 tấn với giá trị gần 149 tỷ đồng. Gia Viễn đang có 8 HTX thủy sản, với hàng trăm mô hình, trong đó đã có 25 trang trại nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận.