Giới nhà giàu vẫn ngày càng giàu hơn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do Covid-19 châm ngòi có thể làm chậm tốc độ tích lũy tài sản của họ trong nhiều năm tới. Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, sự biến động của thị trường cùng với tác động kinh tế có thể khiến khối tài sản trên toàn cầu mất 16 nghìn tỷ USD trong năm nay. Hơn nữa, tình trạng ở hiện tại có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tài sản trong 5 năm tới.
Đà tăng kéo dài cả thập kỷ của thị trường chứng khoán đã giúp các triệu phú và tỷ phú trên thế giới củng cố thêm khối tài sản với mức tăng gấp đôi so với nhóm người thu nhập trung bình và người nghèo. Hiện tại, sự phụ thuộc tương tự vào thị trường có thể khiến khối tài sản của họ đối mặt với rủi ro, nếu biến động do dịch bệnh tạo ra còn tiếp diễn trong nhiều năm.
Khối tài sản trên toàn cầu đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua, nhưng đà tăng sẽ giảm tốc từ năm 2020.
Nghiên cứu của BCG cho thấy, khối tài sản tài chính cá nhân năm ngoái đã đạt mức 226 nghìn tỷ USD, tăng 9,6% từ năm 2018 và đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2005. Từ năm 2019 đến 2024, sự tăng trưởng của khối tài sản trên toàn cầu có thể chậm lại, với tốc độ tăng trưởng thường niên là 1,4% nếu kịch bản xấu nhất mà BCG dự đoán diễn ra. Theo ước tính, tốc độ phục hồi nhanh chóng sẽ ở mức 4,5%.
Anna Zakrewski – trưởng nhóm quản lý tài sản của BCG và nhóm trưởng báo cáo này, cho biết: "Nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tốc độ hồi phục chậm chạp và tác động kéo dài của đại dịch là những người giàu nhất và tỷ phú, đơn giản là bởi họ tiếp rất nhiều với thị trường chứng khoán và những biến động của thị trường."
Tỷ lệ tăng trưởng của khối tài sản toàn cầu theo các khu vực, trong kịch bản xấu nhất, trung bình và lạc quan nhất.
Theo báo cáo này, số triệu phú USD trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua lên mức 24 triệu, với hơn 2/3 đến từ Bắc Mỹ, và hiện họ đang nắm giữ hơn một nửa khối tài sản tài chính. Điều này có nghĩa là người giàu ở khu vực này và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra. Cả 2 khu vực sẽ chứng kiến sự sụt giảm diễn ra trong 5 năm.
BCG ước tính rằng 9,6 nghìn tỷ USD tài sản của cả thế giới được chuyển ra nước ngoài sở hữu vào năm 2019, tăng 6,4% so với năm trước, với châu Á (không bao gồm Nhật Bản) là nhóm đóng góp lớn nhất. Tuy nhiên, trong các thời điểm căng thẳng hơn, ví dụ như đà tăng trưởng trì trệ hồi đầu những năm 2000 và khủng hoảng tài chính, đà tăng trưởng của khối tài sản xuyên biên giới có xu hướng bị ảnh hưởng.
Thụy Sĩ có thể không còn là trung tâm dự trữ tài sản của thế giới.
Trong ngắn hạn, những người giàu sẽ chuyển tài sản đến "hầm trú ẩn" an toàn. Còn về dài hạn, một tỷ lệ tài sản nhất định sẽ quay trở lại quốc gia họ sinh sống để dễ dàng sử dụng hơn, đặc biệt là nếu suy thoái kéo dài. Việc này sẽ có lợi cho những địa điểm như Hồng Kông và Singapore bởi vị trí gần với Trung Quốc và các thị trường phát triển nhanh khác ở châu Á.
Dù Thụy Sĩ vẫn là lựa chọn phổ biến cho hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài, thì Hồng Kông và Singapore đang dần bắt kịp. Theo dự kiến, cả 2 địa điểm này sẽ chứng kiến khối tài sản mà họ quản lý tăng nhanh hơn gấp đôi so với Thụy Sĩ trong 5 năm tới.
Ngoài ra, đại dịch cũng có thể thúc đẩy sự thay đổi của các công ty quản lý tài sản cho nhóm người giàu nhất thế giới. Theo BCG, các nhà quản lý tài sản đang đối mặt với đại dịch ở tình thế tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính, với lợi nhuận tài sản thấp hơn và chi phí cao hơn so với năm 2007.
Zakrewski cho hay: "Chúng tôi nhận thấy Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành này. 10 năm qua đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của một số nhà quản lý tài sản và giảm bớt áp lực phải giải quyết mô hình kinh doanh."
Tham khảo Bloomberg