Hiện nay người nuôi lo ngại nguồn nước ô nhiễm nên ốc hương khó nuôi, rủi ro cao.
Thời gian nuôi kéo dài
Ông Lê Văn Nghi, nuôi ốc hương trên vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) cho hay: Tôi nuôi ốc hương trong đìa rộng 3.000 m2, sau 7 tháng nuôi thu 5 tấn ốc. Năm nay sản lượng nuôi đạt hơn các năm trước, cũng hồ nuôi này năm ngoái chỉ thu 3 tấn ốc. Thế nhưng giá lại thấp hơn, hiện ốc hương thương lái mua 150. 000 đồng/kg, năm ngoái giá ốc hương lên đến 25.000 đồng/kg.
Còn ông Trương Phúc Thắng, nuôi ốc hương ở vũng Chào (vịnh Xuân Đài) cho rằng, ông thuê đìa rộng 5 sào (2.500 m2), thả nuôi 1,5 triệu con giống, thu được 4 tấn ốc “sai 15” (tức là 150 con/kg), với giá hiện nay thu 600 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, công, thuốc…t ôi cộng sổ lại hết 400 triệu đồng, còn 200 triệu đồng. Nếu giá ốc hương cao như năm ngoái thì sau khi trừ chi phí tôi bỏ túi 600 triệu đồng.
Cũng theo ông Thắng, gần đây ốc hương khó nuôi, trước kia nuôi 4-5 tháng, thì nay nuôi 7 tháng mới thu hoạch. Nguyên nhân, trước đây khi thả con giống bắt đầu cho ốc ăn xuyên suốt, nay cho ăn 3 ngày thì nghỉ 1 ngày, lý do ốc nuôi “rục rịch” (bệnh) bỏ ăn. Do ốc bị bệnh gián đoạn ngày cho ăn nên ốc “mất sức” lớn chậm, kéo dài thời gian nuôi dẫn đến người nuôi chi phí đầu tư thức ăn.
Hằng ngày ốc hương ăn lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể, trung bình hồ nuôi 4 tấn ốc, ăn 5 tạ mồi; mỗi 1 tạ mồi mua 170.000 đồng, như vậy chi phí thức ăn cộng với tiền công gần 1 triệu đồng/ngày.
Nhân công lựa ốc hương đủ “sai” bán. |
Đó là chưa kể tiền thức ăn nuôi thêm, cũng do ốc nuôi thường bị “rục rịch” nên trọng lượng không đều nên ốc “lên bờ xuống ruộng”, vừa rồi ông Thắng thu tấn ốc đưa lên bờ rồi thuê nhân công lựa ra 10 phuy ốc nhỏ (tương đương 5 tạ) thả lại xuống đìa. Số ốc nhỏ này phải nuôi thêm 1 tháng nữa mới đủ trọng lượng “sai 15” xuất bán.
Lo ngại nguồn nước ô nhiễm
Hiện nay ven vịnh Xuân Đài nguồn nước bị ô nhiễm từ rác thải, trong khi đó ốc hương nuôi đìa gần bờ ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước ô nhiễm. Ông Bùi Thành, ở xã Xuân Phương cho hay: Rác trên vịnh thì túi ni lông là nhiều nhất, thải ra từ người nuôi tôm hùm, bởi thức ăn của tôm hùm là ốc bươu vàng, con cơm cháy, cá các loại chở đến bằng xe đông lạnh, mỗi gói thức ăn được đựng trong túi ni lông với trọng lượng 10kg. Trung bình phải mua 3 tạ mồi.
Trước khi cho tôm ăn họ ngồi ven bờ làm mồi rồi túi ni lông vứt lại tại chỗ, một thời gian bùn lắng lại thành đám sình. Vậy nên năm qua đìa nuôi nhà tôi gần bờ nuôi ốc hương bị ô nhiễm thò vòi ra chết, đành bỏ hoang.
Cũng theo ông Thành, người nuôi ốc hương chú trọng kỹ thuật nuôi, vì rủi ro lớn hơn tôm hùm. Đặc điểm ốc hương khi nhiễm bệnh chết sạch đìa, mình ốc thối rữa, còn tôm hùm chết lai rai vớt vát bán được. Vì vậy để ốc hương không bị nhiễm bệnh, khi nuôi trong đìa phải tạo oxy thường xuyên, lắp 2 nguồn quạt nổi tạo ôxy trên bề mặt và 2 nguồn lủi âm dưới đìa để sục khí.
Sơ chế ốc hương. |
Tuy nhiên nguồn nước ô nhiễm thì có tạo oxy ốc cũng chịu không nổi chết. Do trong bờ ven vịnh ô nhiễm nên nhiều người chuyển từ nuôi đìa sang nuôi chắn đăng (dùng đăng chắn ngoài biển), trong khi đó nuôi chắn đăng ngoài biển phải đầu tư cao.
Thống kế của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, diện tích nuôi trồng thủy sản cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua trong đìa rộng 209ha, trong đó diện tích nuôi ốc hương 71ha, còn lại là diện tích nuôi cua, ghẹ, cá chẽm…
Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở đây mang tính tự phát, người nuôi chưa tuân theo lịch thời vụ cũng như quy hoạch vùng nuôi nên vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi thường xuyên xảy ra. Bởi theo Trạm thú y TX Sông Cầu, thức ăn con tôm hùm và ốc hương đều là thức ăn tươi sống (cá, ốc, hàu, sò...), trong khi đó các vùng nuôi này liền kề với nhau, điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết: Thời gian qua vịnh Xuân Đài thường xảy ra hiện tượng ốc hương, cua, cá, tôm chết. Lý do, môi trường nuôi ô nhiễm, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép. Hầu hết các hộ nuôi tôm hùm, cá mú, cua trên địa bàn TX Sông Cầu sử dụng cá tạp làm thức ăn cho tôm.
|