Cư dân ròng rã đòi quỹ bảo trì
Chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư. Từ năm 2009, giữa Vneco và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) có ký Hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán. Theo đó, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ (khoảng 18 tỷ đồng).
Phản ánh với chúng tôi, chị Vân - Thành viên Ban quản trị cho biết, sau khi Ban quản trị được thành lập hợp pháp vào tháng 9/2017, ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và hồ sơ tòa nhà.
Sau nhiều lần được cơ quan chức năng đốc thúc, ngày 30/3/2018, chủ đầu tư mới bàn giao được Hồ sơ tòa nhà và một phần nhỏ quỹ bảo trì. Hiện nay Ocean Group vẫn còn giữ hơn 16 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì tại chung cư Starcity.
Đáng nói hơn nữa, trong văn bản mới đây gửi cho Ban quản trị và Vneco, Ocean Group khẳng định rằng 16 tỷ phí bảo trì tòa nhà sẽ được doanh nghiệp này trả lại cho cư dân trong vòng 10 năm chia làm các đợt nhỏ. Và chỉ trong trường hợp tài chính cho phép thì mới ưu tiên thanh toán sớm hơn.
Văn bản này đã khiến hàng trăm cư dân đang sống tại chung cư Starcity cảm thấy vô cùng bức xúc. "Quỹ bảo trì là tài sản của dân chứ không phải tài sản của chủ đầu tư. Khi chưa thành lập ban quản trị thì chủ đầu tư giữ hộ nhưng khi đã có ban quản trị hợp pháp thì phải bàn giao, chủ đầu tư không bàn giao là đang sử dụng trái phép tài sản của cư dân", chị Vân khẳng định.
Rất đông cư dân căng băng rôn trước trụ sở OceanGroup tại tòa nhà VNT Tower số 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Băng rôn yêu cầu OcenGroup trả lại tiền quỹ bảo trì cho cư dân.
Được biết, đây là lần thứ 3 cư dân Star City xuống đường căng băng rôn đòi lại phí bảo trì.
Mặc dù cư dân căng băng rôn trước trụ sở của OceanGroup nhưng theo quan sát không có đại diện của doanh nghiệp này xuất hiện.
Lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự được huy động.
Đến hơn 10h sáng, cư dân vẫn đội nắng căng băng rôn.
Cư dân bức xúc khi không đại diện OceanGroup cố tình không xuống gặp dân.
Cư dân mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc.
Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì có thể bị khởi tố
Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho Ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư.Đối với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, các luật sư cũng khẳng định, đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự. Người dân phải làm đơn lên cơ quan Công an. Công an sẽ tiến hành điều tra. Nếu như chủ đầu tư có tiền hoàn trả thì không sao, nhưng nếu như chủ đầu tư đã tiêu hết số tiền này thì rõ ràng chủ đầu tư đã phạm tội và buộc phải khởi tố hình sự.